Ngày 28/12, tiến sĩ, bác sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, cho biết bệnh nhân đến khám khi đầu mũi nhọn, căng bóng, đỏ rát.
Nửa năm trước, cô được quảng cáo về dịch vụ nâng mũi dáng Trung Hoa - giúp phần sống mũi cao, đầu mũi nhỏ, bay, hơi hếch, tự nhiên và thanh thoát giống các "thần tiên tỷ tỷ". Dáng mũi này được quảng cáo góp phần thay đổi phong thủy, khiến các khó khăn của công việc và cuộc sống được tháo gỡ. Các cơ sở còn nói phương pháp này "thực hiện nhẹ nhàng, ít đau với thời gian hồi phục nhanh chóng, kết quả mang lại lâu dài, trọn đời nếu làm thành công".
Bác sĩ Hải từng khuyên cô gái không nên thực hiện vì toàn bộ 5 ngũ quan trên gương mặt cô đều hài hòa, cân đối, ưa nhìn. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn tìm đến một cơ sở làm đẹp khác với khát khao "sửa mũi, đổi vận", kết quả bộ phận này biến dạng. Cô quay lại mong muốn bác sĩ sửa về dáng mũi ban đầu.
Theo chuyên gia, không phải ai cũng phù hợp với dáng mũi Trung Hoa nhưng nhiều người vẫn đi sửa theo theo trào lưu hoặc mong muốn thay đổi tướng mạo để hợp phong thủy.
Bác sĩ nói tướng mạo cũng phần nào tác động đến cuộc sống. Một chiếc mũi đẹp khiến mọi người tự tin, nhiều năng lượng tích cực hơn. Tuy nhiên, nếu dáng mũi đã chuẩn, việc sửa ở các cơ sở kém chuyên môn có thể khiến mũi căng bóng đỏ (chưa đến mức thủng), thậm chí viêm, chảy dịch...
Để tránh tiền mất tật mang, ông Hải khuyến cáo khách hàng nên chọn cơ sở làm đẹp được cấp phép, các thủ thuật phải thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề.
Trước khi quyết định nâng mũi, cần tìm hiểu kỹ về quy trình phẫu thuật, các phương pháp, kỹ thuật khác nhau cũng như thảo luận chi tiết với bác sĩ về mong muốn của bạn về kết quả. Đồng thời, thảo luận về rủi ro, biến chứng có thể xảy ra, giúp chị em chuẩn bị tinh thần và có kế hoạch hồi phục phù hợp.
Thúy Quỳnh