Trước khi đến TP HCM, bà Irena sống tại thành phố Victoria có những triệu chứng khó thở, hơi thở có mùi, thỉnh thoảng đau nhức xoang, giọng mũi nghe như người bị nghẹt mũi nói chuyện. Đến một số nha sĩ tại Australia, bà được tư vấn liệu trình điều trị kéo dài hơn một năm và phải phẫu thuật tới 2 lần mới trồng lại được răng hàm trên đã từng nhổ. "Được một người bạn giới thiệu, tôi quyết định đến Việt Nam tìm hiểu và điều trị", bà Irena chia sẻ.
Tiến sĩ Võ Văn Nhân cho biết, bệnh nhân tìm đến ông với mong muốn ban đầu là cấy implant để làm lại răng đã mất ở vùng hàm trên bên phải. Kết quả kiểm tra trên phim CT cho thấy vùng xoang chứa rất nhiều dị vật cản quang.
Theo bác sĩ Nhân, dị vật nằm trong xoang hàm không phổ biến song nguyên nhân là khi nhổ răng hàm trên, nha sĩ sơ ý không lấy hết chân răng và để lọt vào xoang hàm. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng xoang, nếu để lâu ngày sẽ gây viêm xoang mãn tính. Khi màng xoang mất chức năng đào thải bụi qua đường mũi, lâu ngày bụi đọng lại gây nên diện tích viêm xoang càng lớn và tích tụ thành những dị vật.
"Nếu không lấy dị vật ra thì sẽ dẫn đến viêm xoang mãn tính trầm trọng, ảnh hưởng đến việc không thể nâng xoang ghép xương và không thể cấy implant khi chưa lấy hết các dị vật trên khỏi xoang hàm", bác sĩ Nhân phân tích. Nếu vẫn ghép implant trong tình trạng chưa lấy hết dị vật thì những dị vật này sẽ cản trở sự lưu thông mạch máu, không giúp lành thương.
Những dị vật chứa trong xoang hàm của bệnh nhân Irena được lấy ra. Ảnh: P.T |
Để lấy hết các dị vật trong vùng xoang, bác sĩ Nhân đã thực hiện kỹ thuật rạch màng xoang, sau đó khâu vá màng xoang lại kế đến là tiến hành ghép xương và cấy ghép implant đồng thời. Với kỹ thuật này, bệnh nhân chỉ phải phẫu thuật một lần và thời gian điều trị cũng ngắn hơn rất nhiều. Nếu thực hiện phương pháp thông thường chia làm hai giai đoạn là phẫu thuật lấy dị vật, bệnh nhân phải đợi sau 4-6 tháng sau mới thực hiện thêm một lần phẫu thuật nữa để nâng xoang, ghép xương và cấy implant.
"Kỹ thuật rạch và khâu vá màng xoang là một trong những kỹ thuật khó trong nha khoa. Về mặt giải phẫu thì màng xoang rất mỏng, dày 0,3-0,8 mm nên đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ", bác sĩ Nhân cho biết. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, đảm bảo được chức năng và thẩm mỹ.
Bác sĩ khuyến cáo, việc nhổ răng tưởng chừng đơn giản nhưng nếu bác sĩ không cẩn thận sẽ gây nên những tình trạng khôn lường. Răng hàm trên có liên quan đến xoang hàm nên cần chụp phim CT để xem hình dạng chân răng, sự tương quan giữa chân răng và đáy xoang hàm. Động tác nạy chân răng phải rất cẩn thận để chân răng không bị lọt vào trong xoang gây nên tình trạng như bệnh nhân Irena. Khi có nghi ngờ chân răng lọt vào trong xoang, bác sĩ phải chụp lại phim để kiểm tra.
Trong trường hợp bác sĩ không phát hiện, người nhổ răng có triệu chứng khó chịu ở vùng xoang mũi sau một thời gian nhổ răng nên chủ động đi chụp phim CT để phát hiện và điều trị sớm, tránh tình trạng lâu ngày sẽ bị viêm xoang mãn tính.
Video gắp hàng trăm dị vật trong xoang hàm bệnh nhân
(Hình ảnh cận cảnh phẫu thuật, độc giả cân nhắc khi xem)
Lê Phương