Sự kiện Gặp gỡ mùa thu bước sang năm thứ hai đã được nâng tầm trở thành một hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp quy tụ đông đảo các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, quay phim trong nước và cả những vị khách nước ngoài đầu tiên. Trong hai ngày 28/11 và 29/11, ba buổi pitching (thuyết trình giới thiệu dự án) với ba chủ đề khác nhau diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Pitching là một hình thức mà các tác giả phim độc lập đem ý tưởng của mình đến giới thiệu với các nhà đầu tư để xin kinh phí tài trợ. Mỗi tác giả có khoảng 15 phút để giới thiệu nhanh, gọn về câu chuyện của mình, thông điệp, cách thể hiện, dự trù thời gian – kinh phí và thuyết phục những nhà đầu tư hỗ trợ cho việc sản xuất phim dưới những hình thức khác nhau.
Khu vực cho các dự án phim độc lập hay có tính thể nghiệm được gọi là Art-house Films Corner. Năm nay có 6 dự án nghệ thuật xuất sắc của các nhà làm phim trẻ Việt Nam được lựa chọn để trình bày trước một ban giám khảo gồm ông Benjamin Illos đến từ LHP Cannes, ông Paolo Bertolin - giám tuyển phụ trách khu vực Đông Nam Á của LHP Venice, đạo diễn Trần Anh Hùng và nhà sản xuất phim Nguyễn Thanh Sơn.
Giải thưởng Autumn Meeting Grand Prix dành cho dự án phim độc lập năm nay trị giá 50 triệu đồng đã thuộc về nhà làm phim trẻ Đỗ Quốc Trung, người từng tham gia diễn xuất trong bộ phim Dành cho tháng Sáu và đạo diễn một số phim ngắn. Anh đem tới Gặp gỡ mùa thu lần này dự án Cha Cha Cha, phim dài đầu tay với câu chuyện kể về sự cô đơn, lạc lõng của những người trẻ và cả những người già trong xã hội hiện đại.
Là học viên xuất sắc đã nhận được gói hỗ trợ làm phim ngắn từ Gặp gỡ mùa thu năm ngoái, Đỗ Quốc Trung tự tin với phần pitching và đã vượt qua 5 nhà làm phim khác gồm Trịnh Đình Lê Minh, Võ Thạch Thảo, Trương Minh Quý, Lê Bình Giang và Lê Bảo để nhận được giải thưởng lớn nhất năm nay.
Khu vực dành cho các dự án phim thương mại của chợ kịch bản được gọi là Entertainment Film World. Tại đây, 5 dự án phim thương mại chất lượng cao của Việt Nam được giới thiệu và chào bán thông qua các buổi pitching, tiếp xúc riêng giữa các tác giả dự án với ban giám khảo gồm đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Trần Bích Ngọc.
Các tác giả của dự án được chọn tham dự để tranh giải “Lựa chọn của các nhà sản xuất – Producer’s Choice” gồm Cù Kim Chi, Dương Nữ Khánh Thương, Trần Dũng Thanh Huy, Kay Nguyễn và Huỳnh Công Nhớ.
Buổi pitching dành cho các dự án mang tính thương mại cao diễn ra rất vui vẻ bởi các câu chuyện được giới thiệu đều có tính giải trí cao, dễ thu hút được số đông khán giả. Gây ấn tượng đặc biệt là nhà làm phim trẻ Huỳnh Công Nhớ đến từ thành phố Đà Nẵng. Anh đã trình bày một dự án phim dày đặc chữ nhưng xen kẽ là những bức ảnh “chế” danh hài nổi tiếng Châu Tinh Trì và khiến cả khán phòng cười sảng khoái.
Tuy nhiên, dự án phim hài của Huỳnh Công Nhớ lại chưa thuyết phục bằng dự án phim Thằng Ròm của tác giả Trần Dũng Thanh Huy. Trong đêm bế mạc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Bùi Thạc Chuyên cho biết ban giám khảo thống nhất lựa chọn dự án này bởi sự quyết tâm của Thanh Huy khi thể hiện bài pitching. “Dù cho có nhận được hỗ trợ hay không, em vẫn quyết tâm thực hiện bộ phim này tới cùng và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ” - Trần Dũng Thanh Huy đã phát biểu trong buổi giới thiệu. Giải thưởng “Lựa chọn của các nhà sản xuất – Producer’s Choice” là 30 triệu đồng tiền mặt.
Ngoài ra, các học viên tham dự khóa học đạo diễn với đạo diễn Trần Anh Hùng năm nay cũng có buổi pitching chủ đề “Short Film of the Future” để xin tài trợ cho phim ngắn. Phần thưởng là một gói thiết bị sản xuất tiền kỳ được tài trợ bởi hãng phim Chánh Phương và gói hậu kỳ đến từ hãng Kantana đã được trao cho hai dự án: Dịch vụ bạn cùng phòng của Nguyễn Lê Hoàng Việt và Vũng của Phan Nha Trang.
Khóa học quay phim với sự dẫn dắt của hai nhà quay phim nổi tiếng đến từ Hàn Quốc là Kim Hyung Koo (phim Quái vật sông Hàn) và Lee Doo Man (phim Spellbound) đã chia đều giải thưởng tiền mặt “Tay máy vàng – Golden Camera” trị giá 1.000 USD cho cả 7 học viên tham gia năm nay.
Đạo diễn Phan Đăng Di đã chia sẻ: “Pitching dự án phim trước nhà sản xuất là một kỹ năng quan trọng của người làm phim. Đây là một nội dung được đưa vào sự kiện Gặp gỡ mùa thu để thúc đẩy thêm việc học viết kịch bản, quay phim, đạo diễn. Việc không chào hàng tốt đồng nghĩa rằng dự án tốt có thể phải mãi nằm trong hộc tủ. Việc tập dượt kỹ năng này tại Gặp gỡ mùa thu tạo nền tảng để các nhà làm phim trẻ có thể bước vào con đường điện ảnh chuyên nghiệp”.
>> Ảnh: Ba buổi pitching của "Gặp gỡ mùa thu" năm thứ hai
Bài và ảnh: Nguyên Minh