Loại giun tròn có tên Ophidascaris robertsi, được các bác sĩ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Bệnh viện Canberra lấy ra khỏi não người bằng phẫu thuật. Kíp mổ cho rằng ấu trùng của giun đã lây nhiễm sang các cơ quan khác trong cơ thể người phụ nữ, gồm gan và phổi.
"Đây là trường hợp người nhiễm Ophidascaris đầu tiên trên thế giới. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây cũng là ca đầu tiên ở động vật có vú. Thông thường, ấu trùng giun đũa được tìm thấy ở các loài có vú kích thước nhỏ, có túi. Chúng bị trăn ăn thịt, hoàn thành vòng đời ở loài bò sát này", Sanjaya Senanayake, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại ANU và Bệnh viện Canberra, nói, thêm rằng vật chủ của loài giun này là trăn, không phải ở người.
Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, ngày 29/8. Theo báo cáo, người phụ nữ nhiễm giun sau khi ăn rau Warrigal (cải bắp xôi), một giống cải địa phương. Bệnh nhân này đã tự thu hoạch và nấu chín rau tại nhà.
Karina Kennedy, phó giáo sư tại Trường Y ANU, kiêm giám đốc vi sinh lâm sàng Bệnh viện Canberra, cho biết các triệu chứng của người phụ nữ xuất hiện lần đầu vào tháng 1/2021, trở nên tồi tệ hơn sau ba tuần, vì vậy bà phải nhập viện.
Ban đầu, người bệnh bị đau bụng và tiêu chảy, tiếp đến tiến triển thành sốt, ho, khó thở. Kennedy phỏng đoán các triệu chứng này có thể do ấu trùng giun tròn di chuyển từ ruột, vào các cơ quan khác như gan và phổi. Bệnh viện đã lấy mẫu hô hấp và sinh thiết phổi, tuy nhiên không tìm được ký sinh trùng.
"Khi ấy, việc cố gắng xác định những ấu trùng cực nhỏ, trước đây chưa từng xuất hiện ở cơ thể người giống như mò kim đáy bể", bà nói.
Đến năm 2022, người phụ nữ có biểu hiện hay quên và trầm cảm. Bà đi khám, chụp cộng hưởng từ và phát hiện tổn thương trong não. Bác sĩ thần kinh sau đó đã sốc khi phát hiện cá thể giun tròn ký sinh và quyết định phẫu thuật. Hiện người phụ nữ đã phục hồi hoàn toàn, tiếp tục được các chuyên gia theo dõi.
Tiến sĩ Senanayake nhận định trường hợp này nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật. Bà cho biết thêm Ophidascaris không thể truyền từ người sang người, nên sẽ không tạo ra đại dịch. Tuy nhiên, rắn và ký sinh trùng có mặt khắp nơi trên thế giới, vì vậy có thể giới khoa học sẽ ghi nhận thêm những trường hợp khác.
Thông thường, rau cỏ là môi trường sinh sống của trăn. Phân chúng chứa trứng của các loại ký sinh trùng và giun sán. Giun tròn Ophidascaris trú ngụ trong cơ thể loài trăn thảm (Carpet Python), đặc biệt là ống thực quản và dạ dày. Theo ANU, loại giun này có khả năng phục hồi cực tốt, phát triển mạnh trong nhiều môi trường khác nhau.
Thục Linh (Theo Aljazeera)