Ngày 17/5, trong hội nghị giao ban trực tuyến về triển khai công tác phòng chống lụt bão, tổ chức tại 35 điểm cầu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt vấn đề: "Giả sử có một siêu bão mạnh cấp 17 như Nargis đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ thế nào, việc đối phó ra sao? Cơn bão số 6 năm 2006, cấp độ chưa phải mạnh, nhưng một số vùng ở khu vực này đã tan hoang".
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ông Bùi Minh Tăng, cho rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long rất giống với Irrawaddy của Myanmar, nơi chịu thiệt hại nhiều nhất trong bão Nargis. "Địa hình bằng phẳng, bão vào sẽ giống như đi trên biển, không gặp trở ngại nào. Mặt khác, vùng này thấp, nếu gặp bão siêu bão như Nargis thì sẽ bị nhấn chìm bởi sóng biển dâng cao tới 10-15 m, tương đương với sóng thần. Tại Myanmar, người chết chủ yếu do nước dâng, chứ không phải do gió bão", ông Tăng phân tích.
![]() |
Cơn bão Xangsane được coi là lớn nhất từ trước đến nay (đạt cấp 14) ở miền Trung đã cướp đi vài chục sinh mạng. Ảnh: D.K. |
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Công Thành bổ sung: "Ở vùng bằng phẳng như đồng bằng sông Cửu Long, bão cấp 9-10 còn chịu được, chứ bão cấp 14 sẽ là thảm họa". Thống kê từ năm 1961 đến nay, có 28 cơn bão vào Việt Nam, nhưng chưa bão nào vượt cấp 14. Các cơn bão mạnh như Xangsane, Durian năm 2006 chỉ đạt cấp 14 và gió giật trên cấp 14. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long thì càng hiếm gặp bão. Trước bão số 6/2006, người dân Vĩnh Long trải qua hơn 100 năm chưa biết bão là gì.
Là tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão Long An thừa nhận, thiệt hại sẽ khôn lường nếu gặp một cơn bão thứ hai như Nargis. Toàn tỉnh có 40% nhà tranh tre, mái lá hoặc tôn, 60% còn lại là nhà kiên cố, bán kiên cố. "Nhà tại các cụm tuyến dân cư vượt lũ trị giá chỉ 7-10 triệu đồng thì chỉ cơn bão cấp 8 là bị kéo sập", ông Nguyên nói.
Từ góc độ cứu hộ, cứu nạn, thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nhận xét nếu bão Nargis vào đồng bằng sông Cửu Long thì chắc chắn việc cứu hộ, cứu nạn sẽ lúng túng vì không biết đưa người dân trú ẩn ở đâu. "Trường học, đồn biên phòng đều yếu, chỉ chống chọi với bão cấp thấp. Nếu bão mạnh như Nargis thì đồn biên phòng cũng tan", ông Hà nói.
Gắn chíp điện tử cho tàu thuyền, đào hầm trú bão
Trước thảm họa của Myanmar và dự báo Việt Nam là một trong 5 nước ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của nước biển dâng do sự nóng lên của toàn cầu, thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà đề nghị Chính phủ mua tàu cứu hộ cứu cỡ lớn (tàu hiện nay chỉ đi được 200 hải lý). "Cần xây dựng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Hiện nay quân đội đông quân, nhưng không có phương tiện, lại không chuyên nghiệp", ông Hà nói.
Thứ trưởng Nguyễn Công Thành đề nghị Chính phủ quy định khi quy hoạch, xây dựng cần tính toán khả năng chịu bão. "Như hiện nay, các công trình lớn được xây sát ven biển, thậm chí đổ đất lấn biển, rồi xây nhà lưng chừng đồi, sát taluy. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì dễ gặp bão, lũ quét", ông Thành nói.
![]() |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo hội nghị. Ảnh: H.K. |
Đại diện các tỉnh ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ quy định gắn chíp điện tử vào tàu thuyền đánh cá. "Bà con thường giấu ngư trường, đến khi có bão, lực lượng cứu hộ không biết tàu của ta ở đâu", ông Trương Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giải thích. Ông cũng đề nghị có chế tài xử phạt những chủ tàu thuyền không chấp hành lệnh phòng tránh lụt bão.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM thông tin, sắp tới sẽ hướng dẫn người dân đào hầm trú bão. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo ngay: "Ý tưởng hay, nhưng cần nghiên cứu kỹ. Nếu đào hầm sát mép nước thì sẽ không chết vì bão mà chết vì ngạt nước".
Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các tỉnh phải sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trong mùa mưa bão năm nay. "Thời tiết năm nay rất bất thường. Bằng chứng là hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục, bão sớm hình thành ngay trên biển Đông và gió mùa đông bắc đến vào tháng 5", ông Hải cảnh báo.
Phó thủ tướng cho biết đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn chính quy, chuyên nghiệp. Riêng về việc mua tàu cứu hộ, Chính phủ sẽ xem xét ngay. "Việc tìm kiếm cứu nạn không thể chậm trễ, mọi khiếm khuyết sẽ được khắc phục ngay", Phó thủ tướng khẳng định.
Bão số 2 mạnh lên cấp 11 Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, chiều 17/5, tâm bão số 2 ở phía đông của biển Đông, cường độ mạnh cấp 11, tăng 3 cấp so với hôm qua. Dự báo, bão tiếp tục di chuyển hướng đông bắc, nhưng tốc độ nhanh hơn, đạt 15-20 km một giờ và khả năng chiều 18/5 sẽ ở ngay bờ biển phía đông bắc đảo Ludong Philippines. Sau đó, bão vượt qua đảo này và ra khỏi biển Đông. Ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông có gió xoáy cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11. Biển động dữ dội. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực nam biển Đông (gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 7. Biển động mạnh. Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết tàu thuyền đã được thông báo về vùng nguy hiểm để chủ đọng phòng tránh. Riêng 3 tàu đánh cá của Quảng Ngãi đã được Bộ Ngoại giao liên lạc với Philippines để đưa vào nơi trú ẩn. |
Hồng Khánh