Theo số liệu của hải quan, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nhập 1,4 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong quý I, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu năm nay lượng xuất hàng nông sản Việt sang UAE tăng trưởng ấn tượng.
Gạo xuất khẩu sang UAE đạt trên 11 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu thủy sản đạt 12 triệu USD, tăng 40%. Các mặt hàng nông sản khác như hạt điều, chè cũng tăng 25-30% so với cùng kỳ ngoái.
UAE có quy mô GDP khoảng 415 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người 44.315 USD mỗi năm. Đây là quốc gia hàng đầu trong thị trường Halal (cung cấp sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) tại khu vực Trung Đông.
Tăng trưởng cao của gạo và các mặt hàng nông sản vào thị trường này cho thấy sức hút của sản phẩm Việt, theo Thuơng vụ Việt Nam tại UAE.
Chẳng hạn, với TP HCM, hàng hóa của thành phố sang quốc gia Trung Đông này năm ngoái tăng hơn 4% so với 2022, đạt gần 340 triệu USD. "Hiện, cơ hội xuất khẩu nông sản Việt sang UAE rất lớn", ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết tại diễn đàn "Kinh doanh tại Việt Nam" ngày 9/5.
Dự kiến năm nay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được ký sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại hai nước. CEPA và các chính sách ưu đãi khi có hiệu lực sẽ là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp triển khai các dự án hợp tác.
Theo ông Eisa Alhammadi, Phó trưởng phái đoàn Đại sứ quán UAE tại Việt Nam, thương mại song phương phi dầu mỏ giữa hai nước dự báo vượt 8,6 tỷ USD khi CEPA được ký, có hiệu lực.
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 8/1993. UAE là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông với kim ngạch đạt 5 tỷ USD. UAE có 38 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, tổng vốn lũy kế đăng ký 71,4 triệu USD.
Thi Hà