Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông Sản Việt Nam (Agrotrade Vietnam) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo Việt đạt 2,7 triệu tấn với giá trị 1,48 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gạo giảm 11,3% về khối lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân là nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè thu. Mặt khác, giá gạo Việt Nam đang cao hơn nhiều so với gạo của Ấn Độ và Thái Lan. Một tấn gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD một tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD một tấn so với gạo Ấn Độ.
Tính bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt 543 USD một tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất khi chiếm 35,6% nhưng xuất khẩu gạo sang thị trường nàygiảm 20,7% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, xuất khẩu gạo sang Indonesia cũng giảm mạnh tới 71,1%.
Theo Agrotrade Vietnam, thời gian tới triển vọng nhu cầu thị trường tốt. Tuy nhiên, gạo Việt ngày càng bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi giá gạo Thái Lan và Ấn Độ đang ở mức hấp dẫn. Mới đây, Philippines đã xoá bỏ sự chênh lệch về mức thuế giữa nhập khẩu từ ASEAN, ngoài ASEAN và "Tối huệ Quốc" (MFN) với mục tiêu tăng nhập khẩu gạo rẻ hơn từ Ấn Độ và Pakistan.
Cụ thể, Philippines đã hạ mức thuế "Tối huệ quốc" đối với gạo xuống còn một mức duy nhất là 35%, từ chỗ trước đây áp thuế 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với nhập khẩu ngoài hạn ngạch, phù hợp với tỷ lệ thuế của ASEAN.
Hôm 7/6, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez của Phillipines đã thông tin sẽ tìm kiếm thêm gạo từ các nước cung cấp ngoài khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp và giữ giá nhập khẩu ở mức hợp lý. Theo đó, Ấn Độ là nước có nguồn lúa gạo giá rẻ có thể cung cấp cho Philippines.
Trước đó, nhà cung cấp gạo chính của Philippines là Việt Nam. Ngoài ra, Philippines cũng mua thêm gạo của Thái Lan, và nhập một ít gạo Ấn Độ và các nước khác ngoài khu vực Đông Nam Á.
Thi Hà