Việt Nam là một nước mạnh về lúa gạo, nên đây được xem là một trong những vấn đề nóng khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, đây là thách thức lớn với ngành lúa gạo Việt Nam.
Cộng đồng TPP rất mạnh về lương thực, cụ thể là lúa mì và các loại ngũ cốc khác, nhưng lại hạn chế về lúa gạo. Do vậy, đây chính là thị trường ngách để Việt Nam có thể tận dụng.
Các số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, bình quân diện tích gieo trồng lương thực nói chung mỗi năm của cộng đồng TPP lên tới 115,3 triệu ha và đạt sản lượng 562 triệu tấn. Thế nhưng, trong đó, diện tích lúa chỉ đạt 11,5 triệu ha, chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là dành cho lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Chính vì vậy, trong khi sản lượng lúa mì đạt 113,7 triệu tấn mỗi năm, chiếm 20,2% trong "rổ lương thực", sản lượng các loại ngũ cốc khác lên tới 403 triệu tấn và 71,7%, thì sản lượng gạo chỉ đạt 45,3 triệu tấn và chỉ chiếm 8,1%.
Trong số gạo này thì riêng Việt Nam đã chiếm 26,7 triệu tấn (58,9%). Không những vậy, một điều cần đặc biệt lưu ý là, nếu so sánh năm 2014 với trước đó 10 năm, tổng sản lượng gạo của toàn cộng đồng TPP chỉ tăng 5,9 triệu tấn, trong khi mức tăng của riêng Việt Nam cũng đúng bằng con số đó. Điều này nghĩa là, trong 10 năm qua, chỉ có sản lượng gạo của riêng Việt Nam tăng, tổng sản lượng gạo của 11 quốc gia thành viên TPP còn lại vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trong điều kiện rất thừa lương thực nói chung, nhưng ít gạo như vậy, khối lượng gạo nhập khẩu của 11 quốc gia thành viên TPP trong 10 năm qua đã tăng khá mạnh. Các số liệu thống kê của FAO và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, nếu như cách đây 10 năm con số này là 3,1 triệu tấn, thì năm 2014 đã đạt 4,7 triệu tấn, chiếm 11,7% trong tổng khối lượng gạo nhập khẩu của thế giới và gần bằng ba phần tư tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, các số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, trong năm 2014, Malaysia đứng đầu với khối lượng nhập khẩu 942.000 tấn; đứng thứ hai là Mexico với 866.000 tấn và kế tiếp là Mỹ với 741.000 tấn, Nhật Bản 669.000 tấn... Khi tham gia hiệp định TPP thì việc nhập khẩu gạo trong nội khối TPP chắc chắn sẽ được ưu đãi hơn so với bên ngoài, đây rõ ràng là cơ hội vàng cho gạo Việt Nam. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, có nhiều khả năng Việt Nam chỉ tận dụng được một phần rất nhỏ cơ hội hiếm có này.
Trước hết, như các số liệu thống kê cho thấy, trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn năm 2014 của Việt Nam, thị trường lớn nhất trong TPP là Malaysia cũng chỉ đạt 473.000 tấn, đứng thứ hai là Singapore 186.000 tấn, và đứng thứ ba là Mỹ chỉ với 67.000 tấn. Còn ba quốc gia có tổng khối lượng nhập khẩu không đáng kể là Brunei, Chile và Australia chỉ với 34.000 tấn.
Như vậy, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường TPP năm 2014 chỉ đạt 760.000 tấn, trong khi 11 quốc gia này đã nhập khẩu 4,69 triệu tấn, tức là thị trường tiềm năng trong nội khối của gạo Việt Nam vẫn còn tới 3,9 triệu tấn, lớn gấp 5,13 lần khối lượng thực tế đã đạt được.
Thế nhưng, cơ hội để gia tăng xuất khẩu gạo vào các thị trường TPP hiện nay cũng không nhiều, bởi một số thị trường lâu nay vẫn nhập khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu chỉ để "no bụng". Do đó, một phần trong số 422.000 tấn gạo của Malaysia nhập khẩu từ Thái Lan (năm 2014) rất có thể sẽ buộc phải "nhượng" lại cho Việt Nam khi mà thuế suất nhập khẩu được cắt giảm do đối thủ cạnh tranh này không phải là thành viên TPP. Tiếp theo, đó có thể là một phần trong số 163.000 tấn cũng của Thái Lan xuất khẩu sang Singapore vì lý do tương tự…
Trong khi đó, với nhiều lý do khác, gạo Việt Nam khó có thể gia tăng mạnh xuất khẩu vào các thị trường còn lại trong TPP. Thứ nhất là do gạo của Việt Nam vẫn không có thương hiệu, không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hoá chất và không truy xuất được nguồn gốc. Trong lịch sử xuất khẩu gạo với quy mô lớn gần ba thập kỷ qua của Việt Nam, thị trường Nhật Bản là thí dụ tiêu biểu nhất. Ngay năm 1990 Nhật Bản đã nhập khẩu 15.000 tấn và năm 2005 đã đạt kỷ lục gần 200.000 tấn, nhưng sau đó giảm mạnh và năm 2010 bắt đầu chấm dứt nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Trong khi quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản suốt ba thập kỷ qua phát triển tốt đẹp, thì việc các nhà nhập khẩu gạo Nhật Bản “bỏ rơi” gạo “Made in Vietnam” suốt 5 năm qua, chủ yếu do đến nay vẫn chưa có những dấu hiệu tích cực nào đủ cho thấy việc bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu có tầm quan trọng tới mức nào.
Bên cạnh đó, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn quá nghèo nàn, không có nhiều loại để lựa chọn, không đáp ứng nhu cầu thị hiếu nhiều hình, nhiều vẻ khác nhau của khách hàng. Do vậy, nó cũng không thể tăng mạnh khối lượng xuất khẩu vào những thị trường không chỉ đòi hỏi về an toàn thực phẩm, mà còn đòi hỏi rất cao về nhiều yếu tố khác. Và một điều khá đáng tiếc là tiềm năng sản xuất những loại gạo đặc sản lâu nay của Việt Nam vốn rất có hạn, nhưng khi đã có một số doanh nghiệp nhỏ lần lượt chuyển hướng vào sản xuất các loại gạo hữu cơ, hay gạo “chức năng”, gạo “thảo dược” thì lại không được khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển.
Trong đó, nếu như gạo “chức năng”, gạo “thảo dược” khó sản xuất với quy mô lớn để giảm áp lực rất lớn trong tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp hiện nay vì rất nhiều lý do khác nhau, thì gạo hữu cơ lại có triển vọng phát triển. Bởi lẽ, vấn đề chủ yếu trong việc phát triển sản xuất gạo hữu cơ là thay đổi phương pháp canh tác, hay nói chính xác hơn, cốt lõi là khôi phục phương pháp canh tác cổ truyền mà thế hệ những nông dân lớn tuổi chắc chắn vẫn còn rất thông thuộc.
Do vậy, điều kiện tiên quyết để tận dụng tốt nhất cơ hội mà TPP có thể mang lại cho chúng ta trước hết là xây dựng được thương hiệu cho gạo “Made in Vietnam” thì mới có thể tăng mạnh khối lượng xuất khẩu các mặt hàng đại chúng.
Bên cạnh đó, cũng rất cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tận dụng các tiềm năng sinh học và sinh thái đa dạng, phong phú để phát triển các thị trường ngách có thể mang lại “siêu lợi nhuận” cho gạo Việt Nam.
Nguyễn Đình Bích