Hiệp hội lương thực Viêt Nam (VFA) cho biết, kết quả xuất khẩu trong năm 2013 cả nước đạt 6,6 triệu tấn, trị giá 2,89 tỷ USD (FOB), giảm 13,45% về lượng và 16,12% giá trị. Lần đầu tiên Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu hơn phân nửa tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Năm 2013 cũng ghi nhận thị trường xuất khẩu có sự cạnh tranh quyết liệt, các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan liên tục hạ giá, trợ giá nhằm kiểm soát sản lượng bán ra.
VFA cho rằng tình hình thị trường gạo thế giới trong năm 2014 tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh xuất khẩu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á. Xu hướng cạnh tranh không chỉ ở phân khúc gạo cấp thấp mà ngay cả gạo thơm cũng phải ganh đua quyết liệt với Thái Lan, Ấn Độ.
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam 2014 vẫn là châu Á, trong đó Trung Quốc là trọng điểm. Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách nhập khẩu chính ngạch, sản lượng có thể tăng lên 3,4 triệu tấn, có thể giúp Việt Nam bù đắp được sụt giảm ở một số thị trường khác. Ngoài bán chính ngạch, VFA cũng kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cần sớm đưa ra các giải pháp quan hệ song phương, tránh tình trạng ngăn cản, cấm biên đột ngột. VFA cũng khuyến cáo Trung Quốc tuy là thị trường có tiềm năng lớn và lâu dài, nhưng với chất lượng gạo như hiện nay thì Việt Nam không thể bán giá cao mà còn hay bị ép giá nên nông dân cần chuyển đổi sang giống chất lượng; doanh nghiệp có phương án tiếp cận bài bản để tránh rủi ro. Một số thị trường khác như châu Phi, Iraq, Bangladesh sẽ được mở rộng cho tư nhân tiếp cận; đặc biệt là chuẩn bị vào thị trường Mỹ và Nhật Bản khi kết thúc đàm phám TPP.
VFA sẽ tổ chức để 29 doanh nghiệp có cánh đồng liên kết ngồi lại với nhau đánh giá kết quả. Dự kiến trong năm nay, tất cả các doanh nghiệp hội viên VFA sẽ phải xây dựng riêng cho mình một cánh đồng liên kết sản xuất lúa gạo từ 200ha trở lên, mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 1 triệu hecta. Cùng với kế hoạch xúc tiến xây dựng thương hiệu, thay đổi bộ quy chuẩn gạo, việc doanh nghiệp xắn tay vào sản xuất lúa gạo, hy vọng sẽ mở ra hướng tiêu thụ bền vững cho hạt gạo.
Sài Gòn Tiếp Thị