Phỏng đoán này được một số chuyên gia đưa ra sau khi Nhật Bản ghi nhận thêm ba ca tử vong liên quan thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ beni-koji của hãng dược Kobayashi, nâng tổng số ca tử vong lên 5. Số ca nhập viện đến nay là 115. Hãng dược đã tự nguyện thu hồi sản phẩm khỏi các kệ hàng. Nhật cũng thu hồi hơn 40 sản phẩm chứa beni-koji của các công ty khác, gồm tương miso, bánh quy giòn và nước sốt giấm.
Giới chức y tế ghi nhận người đầu tiên tử vong đã đặt hàng 35 gói Beni Koji Cholesterol Help kể từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2024. Triệu chứng của người này và những người khác là thay đổi màu nước tiểu, sưng tấy chân tay, mệt mỏi và suy giảm chức năng thận.
Beni-koji là gì?
Beni-koji từ lâu đã được sử dụng làm màu thực phẩm, trong sản xuất và chế biến đồ uống lên men. Nó có nguồn gốc từ gạo đỏ ủ chung với nấm Monascus purpureus.
Quá trình lên men bắt đầu với việc hấp cơm đỏ, sau đó cấy bào tử Monascus purpureus và để nơi kín đáo trong điều kiện có kiểm soát. Theo thời gian, gạo chuyển sang màu đỏ rực, sắc tố đỏ do nấm tạo ra. Đây cũng là nguồn gốc của cái tên "beni", có nghĩa là màu đỏ.
Theo phó giáo sư Yumiko Yoshizaki của Đại học Kagoshima, một chuyên gia nghiên cứu thực phẩm lên men, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện một thành phần có tác dụng làm giảm cholesterol, được gọi là monacolin K, từ nấm mốc vào những năm 1970.
Trong những năm gần đây, chất này đã thu hút được sự chú ý như một thành phần trong thực phẩm bổ sung sức khỏe. Beni-koji có hàm lượng monacolin K cao. Ngoài ra, loại gạo men này còn chứa chất chống oxy hóa, axit amin và các enzym có lợi, mang lại sức khỏe tổng thể và tinh thần vui vẻ.
Hương vị độc đáo và lợi ích sức khỏe của beni-koji khiến nó trở thành nguyên liệu được săn đón trong ẩm thực Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới. Các đầu bếp thường dùng nó để nấu sốt miso, nước tương, rượu saka.
Rủi ro từ beni-koji
Dù có lợi ích sức khỏe, quá trình lên men beni-koji có thể tạo ra citrinin, một chất chuyển hóa độc hại gây bệnh thận. Citrinin là một loại độc tố nấm mốc, do các loài thuộc chi Aspergillus, Penicillium và Monascus sản sinh. Citrinin hình thành sau khi thu hoạch, xuất hiện chủ yếu trong ngũ cốc được bảo quản. Thông thường, người ta phát hiện nó chung với các loại độc tố nấm mốc khác, đặc biệt là ochratoxin A, gây bệnh thận.
Ngoài độc tính trên thận, citrinin cũng có liên quan đến tình trạng tế bào chết theo chương trình (apoptosis) thông qua stress oxy hóa. Nhiều mô hình thí nghiệm trên động vật khác nhau cho thấy citrinin và ochratoxin A có thể gây nhiễm độc gan, phổi, tế bào, hệ miễn dịch, gây ung thư.
Ủy ban An toàn Thực phẩm Nhật Bản cho biết châu Âu đã báo cáo một số người bị tổn hại sức khỏe do sử dụng thực phẩm chức năng chứa beni-koji. EU từng đặt giới hạn tiêu chuẩn citrinin trong thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Phản hồi báo cáo này, Kobayashi đã kiểm tra các thành phần trong beni-koji và kết luận nó không chứa citrinin. Tuy nhiên, họ phát hiện một chất chưa xác định, có thể sản phẩm gạo men đã sản sinh ra thành phần không mong muốn khác.
Hiện giới chức y tế Nhật Bản chưa kết luận nguyên nhân khiến 5 người tử vong, hơn 100 người nhập viện sau uống thực phẩm chức năng.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết chưa cấp phép lưu hành cho các sản phẩm trên tại Việt Nam, khuyến cáo người dân không mua qua mạng xã hội theo đường xách tay.
"Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật", Cục An toàn Thực phẩm nêu.
Thục Linh (Theo NHK, Times of India, NCBI)