Trước đây, các loại gạo khi được bán ra thị trường thường chỉ đóng trong những bao PP đơn giản, không ghi nhãn mác, xuất xứ. Hầu hết người tiêu dùng chỉ quan tâm đến việc gạo có “dẻo, thơm, ngon” hay không, còn xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng hầu như không mấy quan tâm.
Nhãn mác, bao bì: chuyện nhỏ!
Trên địa bàn TPHCM, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… phần lớn gạo được đóng gói trong những túi PE, PP. Các loại gạo nhập từ Đài Loan, Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật… cũng khá đa dạng về chủng loại và kiểu dáng.
Tại cửa hàng gạo trên đường Ba Tháng Hai (phường 6, quận 11), người bán giới thiệu hơn 10 loại khác nhau có xuất xứ từ ĐBSCL với các túi gạo có trọng lượng 5-20kg/túi, hút chân không. Trong khi đó, tại cửa hàng bán gạo ở Lò Siêu, Q.11, gạo được đóng bao. Khi yêu cầu loại túi có nhãn mác, in tên sản phẩm, chủ cửa hàng vui vẻ nói: “Nhà có sẵn máy ép, cô muốn túi khoảng bao nhiêu ký?”. Khi chúng tôi từ chối mua hàng với lý do gạo không rõ xuất xứ, nhãn mác, chủ cửa hàng vội thuyết phục: “Nếu em đặt số lượng lớn, muốn túi gạo đẹp như trong siêu thị cũng có. Tôi có người quen sản xuất bao bì mà”.
Cửa hàng gạo trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) thì có bán đủ loại gạo với tên “ngoại” như: gạo thơm Đài Loan, gạo dẻo Nhật… Khi người mua thắc mắc về nguồn gốc số gạo này, nhân viên bán hàng cho biết: “Là giống của nước ngoài nhưng đem về Việt Nam trồng nên mới có tên như vậy”. Gạo từ các bao PP (50-100 kg) được người bán chia ra những túi nhỏ loại 5-10 kg/túi. Bên ngoài các túi PP, có quai xách, màu xanh khá mướt mắt là thông tin về địa chỉ, tên, số điện thoại của cửa hàng.
Tại một cửa hàng được quảng cáo là bán gạo sạch nhập từ Thái Lan, Campuchia, Lào, trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chủ cửa hàng cho biết, gạo được sản xuất theo “phương pháp hữu cơ”, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, người tiêu dùng khó mà tìm được các thông số chỉ tiêu chất lượng và hạn dùng bởi bao bì sản phẩm hầu hết đều ghi tiếng nước ngoài.
Gạo “sạch” chỉ khoảng 5%
Ông Huỳnh Út Phi Châu, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Sạch cho biết, thông thường các sản phẩm gạo sạch có thương hiệu riêng, do đó, người tiêu dùng muốn mua gạo sạch phải chọn gạo có thương hiệu. Thường thì các sản phẩm đạt tiêu chuẩn “sạch” đều có tem hoặc thông tin chi tiết trên bao bì. Các nhãn hiệu gạo sạch chính hiệu hiện nay chiếm tỷ lệ không cao (khoảng 5%). Các sản phẩm còn lại đa phần chỉ là gạo đóng túi. Tại thị trường TP HCM, 80% sản phẩm được tiêu thụ hầu như không kiểm soát được chất lượng. Gạo sạch hiện nay chủ yếu được tiêu thụ thông qua một số kênh bán hàng chính như hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện ích…
Một cơ sở quảng cáo bán gạo sạch ở quận 2. |
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện nay có nhiều tiêu chuẩn gạo sạch như VietGap (áp dụng cho thị trường nội địa), GlobalGap (áp dụng trên toàn cầu), Organic (công nhận là sản phẩm hữu cơ tại Mỹ và châu Âu)… Tuy nhiên, tổng diện tích lúa canh tác theo những tiêu chuẩn này hiện chưa tới 20.000 ha, tương đương khoảng 120.000 tấn lúa mỗi năm. Có nghĩa là mỗi năm, cả nước chỉ có thể sản xuất khoảng 60.000 tấn gạo sạch cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Bửu nhận xét, lượng gạo sạch sản xuất hàng năm ở Việt Nam còn rất nhỏ so với tổng sản lượng gạo, chẳng hạn như năm 2011 chỉ khoảng 21 triệu tấn.
Các loại gạo được đóng trong bao bì đẹp với nhãn mác, hạn sử dụng đầy đủ chưa hẳn là gạo sạch. Bởi ở nước ta, hàng rào kiểm định chất lượng gạo sạch vẫn chưa chặt chẽ, nhiều loại gạo “mạo danh” gạo sạch trà trộn vào thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Để chọn được gạo sạch đúng tiêu chuẩn thực sự rất khó, điều này còn phụ thuộc vào uy tín của những công ty sản xuất và kinh doanh. Vì thế, ông Châu cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các công ty sản xuất và kinh doanh gạo sạch là họ không kiểm soát được khâu phân phối và sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm trôi nổi.
(Phụ nữ)