PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch TP Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết như trên tại hội thảo khoa học Dược lâm sàng năm 2024 với chủ đề Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân Tim mạch - Chuyển hóa, ngày 26/12. Đây là dịp các y bác sĩ cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng điều trị và quản lý tốt hơn cho bệnh nhân.
Bệnh tim mạch chuyển hóa bao gồm các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... Những năm gần đây, số ca mắc bệnh không ngừng tăng, đặc biệt có xu hướng trẻ hóa. Theo PGS Hiền, nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim chỉ ngoài 20 tuổi, thậm chí có người hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành hoặc đặt stent.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca phẫu thuật tim mỗi năm đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 1.000 ca lên hơn 2.000 ca. Trong cộng đồng, tỷ lệ người trẻ 30-40 tuổi mắc tăng huyết áp, tiểu đường cũng rất cao, nhưng nhiều người chủ quan, không phòng ngừa, dẫn đến gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, chiếm 70% số ca tử vong. Riêng bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng khoảng 200.000 người mỗi năm, tương đương 25% tổng số ca tử vong.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cũng cho biết bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí bảo hiểm y tế. Năm 2023, riêng bệnh tiểu đường chiếm 5% tổng chi quỹ BHYT, bệnh tăng huyết áp 2%, và các bệnh tim mạch không dưới 10%.
"Chúng ta đang bước vào 'đại dịch' tiểu đường, với tỷ lệ bệnh nhân ngày càng cao," ông Hưng cảnh báo, thêm rằng hiện Hà Nội có khoảng 500.000 bệnh nhân tiểu đường và 1,4 triệu người tiền tiểu đường.
Khi điều trị, kiểm soát tốt bệnh tim mạch - rối loạn chuyển hóa thì hạn chế tình trạng bệnh nặng, nhập viện phải điều trị, can thiệp. Việc tối ưu hóa điều trị sẽ giúp cứu sống người bệnh, đồng thời quản lý tốt quỹ BHYT. Do đó, thực hành dược trong lĩnh vực tim mạch chuyển hóa đang là hoạt động được chú trọng triển khai.
Để duy trì sức khỏe tim mạch và chuyển hóa, bác sĩ khuyến cáo mọi người tập thể dục đều đặn ít nhất 3 lần mỗi tuần với thời gian tối thiểu 30 phút mỗi lần. Đồng thời, nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc, hạt, kiêng chất béo xấu và kiểm soát khẩu phần ăn. Ngoài ra, cần bỏ thuốc lá và kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Lê Nga