Kajal, 25 tuổi, cho hay cô và chồng, Deepak, quyết định đến trung tâm y tế ở làng Bhoodbaral làm thủ thuật vì không kiếm đủ tiền nuôi ba đứa con.
Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào giữa năm 2023, theo ước tính công bố ngày 19/4 của Liên Hợp Quốc. Quốc gia này sẽ vượt qua Trung Quốc, nơi dân số năm 2022 lần đầu suy giảm kể từ năm 1960.
Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình kế hoạch hóa gia đình trên toàn quốc năm 1952. Trong những thập niên sau đó, khi thuốc tránh thai và bao cao su trở thành những biện pháp tránh thai phổ biến với hàng triệu người ở nơi khác, đàn ông Ấn Độ những năm 1970 trải qua chương trình triệt sản bắt buộc.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, trọng tâm kiểm soát sinh sản chuyển sang phụ nữ và thắt ống dẫn trứng là phương pháp được ưa chuộng nhất.
Các bệnh viện Ấn Độ cũng thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh dành cho nam giới, nhưng những phụ nữ như Kajal thường được nhân viên y tế thuyết phục thực hiện thắt ống dẫn trứng để hưởng tiền khuyến khích 25 USD.
"Tôi nghĩ mình sẽ yếu đi", Deepak, công nhân nhà máy, trả lời khi được hỏi nguyên nhân không thắt ống dẫn tinh.
Thủ thuật thắt ống dẫn tinh chỉ mất 10 phút. Theo Poonam Muttreja, chuyên gia thuộc Tổ chức Dân số Ấn Độ, lo ngại của Deepak rất phổ biến tại quốc gia vẫn là "xã hội cực kỳ gia trưởng".
"Nhiều người, cả đàn ông và phụ nữ, tin vào quan điểm hoang đường rằng thắt ống dẫn tinh sẽ làm đàn ông mất nam tính", Muttreja nói. "Quan điểm này không dựa theo bằng chứng khoa học nào cả".
Trung tâm y tế ở Bhoodbaral đã triệt sản hơn 180 phụ nữ nhưng chỉ triệt sản 6 người đàn ông từ tháng 4/2022 tới tháng 3/2023.
"Người ta thường lầm tưởng thắt ống dẫn tinh khiến đàn ông liệt dương, khiến thủ thuật này bị kỳ thị", bác sĩ Ashish Garg, giám đốc y tế của trung tâm, nói.
Các cơ sở y tế thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn trứng cho phụ nữ rất phổ biến ở Ấn Độ, đặc biệt tại các vùng nông thôn rộng lớn, nơi 2/3 dân số sinh sống. Đây là thủ thuật an toàn nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng ở Ấn Độ.
4 phụ nữ đã chết, 9 người nhập viện năm ngoái, sau khi thắt ống dẫn trứng ở bang miền nam Telangana. Năm 2014, ít nhất 14 phụ nữ chết sau khi triệt sản ở một cơ sở y tế tại bang miền trung Chhattisgarh.
Muttreja cho rằng chính phủ cần nỗ lực hơn trong tuyên truyền các biện pháp tránh thai. Bà nhận định giải pháp để đàn ông đi triệt sản nhiều hơn là nâng cao giáo dục.
"Đó là liều thuốc tiên. Đầu tư vào y tế và giáo dục sẽ giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và cả quốc gia", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)