Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ sáu, 25/4/2014, 17:16 (GMT+7)

Gánh nặng đè lên vai thợ lặn Hàn Quốc

Các thợ lặn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khi tìm kiếm cứu hộ nạn nhân phà Sewol nhưng họ vẫn nỗ lực hết mình trước mong mỏi của thân nhân các hành khách mất tích.

10 thợ lặn trong nhóm cứu hộ hỗn hợp hôm 23/4 đã được đưa vào khoang giảm áp trên hai tàu hải quân để điều trị, sau khi họ có dấu hiệu bị tê liệt và đau đầu nghiêm trọng, một trung tâm cứu hộ cho hay. Một thợ lặn được xác nhận đã mắc bệnh giảm áp (các triệu chứng trên cơ thể sau khi làm việc ở độ sâu trong thời gian dài). Trong ảnh, thợ lặn tập trung ở khu vực phà Sewol chìm, chuẩn bị bắt đầu hoạt động tìm kiếm. Ảnh: AFP.

"Công việc tìm kiếm của các thợ lặn đang trở nên vất vả hơn khi hoạt động cứu hộ được mở rộng. Chúng tôi đang tìm kiếm các biện pháp an toàn (đảm bảo sức khỏe của họ)", Korea Herald dẫn lời Kim Min-seok, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn. Ảnh: AP.

Các chuyên gia lo ngại rằng sẽ có thêm thợ lặn bị ảnh hưởng bởi bệnh giảm áp, thường do họ nổi lên mặt nước quá nhanh hoặc ở quá lâu trong nước lạnh. Ảnh: AP.

Nếu nghiêm trọng, thợ lặn có thể bị nôn mửa, tê liệt, đau nhức nhiều bộ phận, thậm chí là đau tim. Trong ảnh, một thợ lặn nhảy xuống biển tìm kiếm hành khách mất tích. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe của các thợ lặn và cho họ có đủ thời gian nghỉ ngơi sau đợt tìm kiếm", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay. Theo lực lượng cứu hộ, ngoài vấn đề sức khỏe, các khó khăn khách quan như dòng chảy mạnh cùng với tầm nhìn hạn chế dưới nước cũng đang thách thức hoạt động tìm kiếm, khiến họ nhanh kiệt sức hơn. Ảnh: AP.

Các thợ lặn trang bị thiết bị liên lạc và hệ thống dưỡng khí trước khi lặn xuống biển, sau đó họ sử dụng rìu để tìm lối vào còn phà chìm, tìm kiếm hành khách mất tích. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ cứu hộ, các thợ lặn ngày càng vớt được nhiều thi thể từ con phà chìm. Họ dùng một tay giữ thi thể, tay kia lần theo dây dẫn đường để quay trở lên mặt biển. Ảnh: Reuters.

Nhiều người đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng áp lực từ gia đình các nạn nhân có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân viên cứu hộ. Năm 2010, người dân Hàn Quốc đau buồn trước thông tin một thợ lặn dày dạn kinh nghiệm tử nạn trong lúc cứu hộ tàu Cheonan. "Không nên có thêm bất kỳ nạn nhân nào nữa trong vụ chìm phà. Tìm kiếm thi thể các hành khách là việc quan trọng nhưng sự việc lần trước cho thấy an toàn phải là yếu tố trên hết", một tài khoản Twitter viết. Ảnh: AP.

Phà Sewol gặp nạn hôm 16/4 khi đang trên đường từ thành phố Incheon, gần thủ đô Seoul, tới đảo du lịch Jeju ở phía nam. Phà chở theo 476 hành khách, trong đó có hơn 300 học sinh trung học đi dã ngoại. Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc cho biết tính đến sáng 25/4, ít nhất đã có 181 người chết, 174 người sống sót và còn 131 người mất tích trong thảm họa này. Trong ảnh, một tàu cá chiếu đèn hỗ trợ hoạt động tìm kiếm khi ánh nắng sắp tắt. Ảnh: AFP.

Các tàu tuần duyên phối hợp cùng lực lượng cứu hộ tìm kiếm tại khu vực phà Sewol chìm trong đêm. Ảnh: AFP.

Như Tâm