Thảo luận dự án Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi sáng 23/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói có hiện tượng dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. "Có một số ngành, tôi ký khen thưởng mỏi tay", ông nói.
Cho rằng khen thưởng có quyền lợi nhất định nên Chủ tịch nước đề nghị có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình xem xét. Ví dụ, ông A bị thu hồi thành tích thi đua khen thưởng do có khiếu nại, được khen thưởng không chính đáng thì người trình, người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm.
Chung ý kiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cũng yêu cầu dự án luật làm rõ thẩm quyền xử lý các vi phạm về thi đua khen thưởng. "Cần quy định rõ để tránh hiện tượng "chạy", tránh chuyện vừa mới khen thưởng xong thì bị bắt, vừa công nhận anh hùng xong thì trở thành tội phạm", ông Phong nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, khen thưởng, tôn vinh đúng sẽ là động lực khuyến khích phấn đấu. Do số người được khen thưởng ít nên đa số "rơi vào" cán bộ, lãnh đạo. "Có người bảo họ 'có mấy huân chương, nhì, ba có rồi, làm thêm cái hạng nhất cho đủ bộ'", ông nói.
Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo cần có chế tài để khắc phục được tình trạng nói trên, đồng thời phải có cơ chế khen thưởng những người trực tiếp làm việc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong Covid-19 cần có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau. Đó là những con người ủng hộ từng quả trứng gà, bán cả mảnh đất để hỗ trợ chống dịch; là bác sĩ, công an, bộ đội, người hoạt động thiện nguyện...
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng cũng đồng tình cần có khen thưởng đột xuất không chỉ với tập thể, cá nhân có đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh mà còn động viên thành tích, của những cá nhân trong phòng chống thiên tai, lũ lụt, địch họa...
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật lần này tập trung 4 chính sách lớn. Đó là hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng, hoàn thiện chế định, thẩm quyền và đặc biệt phân cấp triệt để công tác thi đua khen thưởng; hoàn thiện thủ tục hành chính tinh gọn. Luật sẽ được sửa toàn diện, bao trùm toàn hệ thống và các đối tượng, cân đối hài hòa khu vực công - tư, đảm bảo tính khóa học, phù hợp thực tiễn.
Theo bà, mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng sẽ đảm bảo "thành tích đến đâu, khen thưởng đến đấy, có thành tích là phải được khen thưởng". Cơ quan soạn thảo cũng giảm hình thức về khen thưởng, giảm lũy kế thành tích, tập trung khen thưởng khu vực tư, các tầng lớp nhân dân, ưu tiên cho người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, doanh nhân, chiến sỹ, người lao động sản xuất trực tiếp.
Dự luật đề xuất 6 loại hình khen thưởng: khen thưởng theo công trạng, có thành tích thì khen đối với cả khu vực công và ngoài nhà nước; khen thưởng đột suất áp dụng trong trường hợp có thành tích là khen; khen thưởng theo phong trào thi đua, gắn mối quan hệ giữa phong trào thi đua với khen thưởng; khen thưởng theo niên hạn; khen thưởng theo cống hiến và khen thưởng đối ngoại.
"Chúng tôi cũng xác định thẩm quyền và phân cấp rất rạch ròi, cụ thể, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức phong trào thi đua, tránh hình thức trong phát hiện tập thể, cá nhân tiêu biểu", bà Trà nói.
Hoàng Thùy - Viết Tuân