Các điểm bỏ phiếu đầu tiên mở cửa vào sáng 19/4, khởi động cuộc bầu cử kéo dài đến ngày 1/6 để chọn ra 543 thành viên Lok Sabha (Hạ viện Ấn Độ) cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Hai ghế còn lại trong Hạ viện sẽ được đề cử bởi Tổng thống Ấn Độ.
Với khoảng 969 triệu cử tri trên cả nước đủ điều kiện bỏ phiếu, trên tổng số hơn 1,4 tỷ dân, kỳ tổng tuyển cử năm nay của Ấn Độ được gọi là "cuộc bầu cử lớn nhất lịch sử nhân loại".
Cuộc bầu cử được chia làm 7 giai đoạn, kéo dài trong 6 tuần, diễn ra tại 21 bang và 8 vùng lãnh thổ trực thuộc. Giới quan sát ước tính Ấn Độ sẽ cần tổ chức hơn một triệu điểm bỏ phiếu, khoảng 5,5 triệu máy bỏ phiếu và 15 triệu nhân viên phòng phiếu, đảm bảo an ninh.
Một số bang có diện tích và dân số lớn đến mức ủy ban bầu cử địa phương có thể cần tổ chức hơn 7 giai đoạn bỏ phiếu, trong khi một số địa phương đủ khả năng hoàn tất bỏ phiếu trong một ngày.
Ấn Độ năm nay có 2.660 đảng đề cử ứng viên, tăng hơn 4 lần so với con số 650 đảng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Giai đoạn bỏ phiếu đầu tiên, bắt đầu từ ngày 19/4 đến ngày 26/4, được xem là giai đoạn quan trọng nhất với 21 bang đồng loạt tổ chức cho hơn 102 triệu cử tri bỏ phiếu để bầu 102 hạ nghị sĩ.
Giai đoạn bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra ngày 1/6, với 57 ghế nghị sĩ được bầu ở 8 bang. Kết quả bỏ phiếu dự kiến được công bố trong ngày 4/6.
Đảng có đa số ghế ở Hạ viện sẽ có quyền thành lập chính phủ, chỉ định một ứng viên cho chức vụ Thủ tướng.
Giới phân tích dự đoán đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata - BJP) của Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp tục giành chiến thắng áp đảo, giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ ba.
"Tôi kêu gọi toàn dân thực hiện quyền bầu cử của mình với số lượng kỷ lục để chọn ra nghị sĩ mới. Tôi đặc biệt kêu gọi người trẻ và những cử tri lần đầu đi bầu hãy tham gia đông đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Mọi lá phiếu đều quan trọng. Mọi tiếng nói đều quan trọng", Thủ tướng Modi đăng tải thông điệp trên mạng xã hội X vào sáng 19/4.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, CNN)