Cuộc thăm dò của IXE được công bố hôm nay cũng cho thấy Conte là chính trị gia được tín nhiệm nhất đất nước, với 52% số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào ông.
Theo khảo sát, 26% ủng hộ tổ chức bầu cử sớm, trong khi 11% muốn liên minh trung tả quay lại cầm quyền, nhưng với một thủ tướng khác. Hơn 7% số người được hỏi cho biết họ muốn có một liên minh trung hữu mới nắm quyền, trong khi 11% không có ý kiến.
Conte tuyên bố từ chức hôm 26/1 sau mối quan hệ bất hòa với một đối tác trong liên minh cầm quyền, khiến ông đánh mất thế đa số trong Thượng viện. Conte đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội tuần trước, nhưng không đảm bảo được đa số ủng hộ tại Thượng viện, khiến chính phủ của ông suy yếu.
Động thái từ chức của Conte được cho là né tránh một cuộc bỏ phiếu quan trọng về cải cách tư pháp vào cuối tuần này, trong đó chính phủ của ông được dự đoán sẽ thua.
Tổng thống Sergio Mattarella đã đàm phán với lãnh đạo các đảng từ 27/1 và dự kiến kết thúc 29/1 để tìm lối thoát. Conte hy vọng Mattarella sẽ đề nghị ông thành lập chính phủ mới, nhưng điều này phụ thuộc vào việc liệu ông có thể tập hợp một liên minh cầm quyền mới hay không.
Các đảng chính đứng sau chính phủ sắp mãn nhiệm, gồm Phong trào Năm Sao theo chủ nghĩa dân túy (M5S) và Đảng Dân chủ trung tả (PD), đã sẵn sàng cho Conte một cơ hội. Tuy nhiên, để duy trì vị trí của mình, Conte hoặc cần làm hòa với Matteo Renzi, cựu thủ tướng rời liên minh cầm quyền đầu tháng này, hoặc giành chiến thắng trước một số thượng nghị sĩ đối lập.
Khủng hoảng chính trị Italy bắt đầu sau khi thành viên đảng Italia Viva do cựu thủ tướng Matteo Renzi lãnh đạo liên tục rời liên minh do bất đồng với chính phủ về suy thoái kinh tế và cách ứng phó Covid-19.
Italy đã trải qua 66 chính phủ kể từ Thế chiến II. Các chính quyền thường xuyên bị xáo trộn và sau đó liên minh lại với nhau trong các cuộc đàm phán "hậu trường" để mở đường cho việc cải tổ nội các cũng như xem xét lại các chính sách.
Huyền Lê (Theo AFP)