Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) cho thấy, 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Thông tin công bố tại Hội thảo "Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới môi trường mạng xã hội an toàn và giải pháp bền vững", tổ chức tại Hà Nội ngày 12/4.
TS Phạm Hải Chung, đồng trưởng ban Internet và truyền thông của chương trình cho biết, ở Việt Nam, phát ngôn gây thù ghét lan tràn dưới nhiều hình thức song nhiều nhất là phỉ báng và bịa đặt thông tin. Theo khảo sát của VPIS, 61,7% người dùng mạng xã hội từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Nạn nhân gần như bất lực, cách duy nhất có thể làm là yêu cầu gỡ thông tin sai trái trên.
Bà Chung chia sẻ từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét khi năm 2015 viết bài "Tủ rượu hay tủ sách" trên mục Góc nhìn của VnExpress. Sau đó TS Chung đã nhận được tin nhắn từ người dùng mạng xã hội, quy chụp rất nhiều "tội", cho rằng "mới đi học ở Tây về đã chê người Việt không đọc hết một cuốn sách". "Ngoài đời thì lời nói có thể gió bay nhưng sự xúc phạm trên Internet có thể lưu lại mãi mãi", bà nói.
Việt Nam đang có hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình 138 phút mỗi ngày, cao hơn với mức độ trung bình toàn cầu 31%, bà Chung thông tin.
Nói về thực trạng văn hoá lăng nhục công cộng thời mạng xã hội tại Việt Nam, TS Đặng Hoàng Giang đưa ra nhiều ví dụ, như hai bảo mẫu ở TP HCM bạo hành trẻ phải chịu hình phạt 3 năm tù, nhưng cộng đồng dùng những lời lẽ sỉ nhục khủng khiếp, "kết án" họ còn nặng nề hơn luật pháp; nữ kỹ sư thi Ai là triệu phú không biết nấu canh cua với mùng tơi bị mắng "mua bằng", "ăn bám xã hội"; cô gái dùng áo lót bịt mặt thoát khỏi đám cháy quán karaoke trên phố Nguyễn Khang (Hà Nội) cũng chịu sự mỉa mai...
"Lăng nhục trên mạng là sự tiếp nối của tư duy phong kiến. Ngày xưa, trừng phạt là công khai, để cho mọi người chứng kiến", ông nói.
TS Giang phân tích, vòng xoáy bạo lực của những phát ngôn thù ghét xuất phát từ sự tiếp cận chia cộng đồng thành hai phe "chúng ta" và "chúng nó". Ngoài ra, một bộ phận người dùng mạng xã hội còn có xu hướng làm "dân phòng trên mạng". Những người đó tự cho mình đứng về lẽ đúng, là "Lục Vân Tiên" và có quyền phán xét những người "không biết canh cua nấu với rau gì". Điều này dẫn đến chủ nghĩa tự xử, như ở ngoài đời thật một nhóm người tự cho phép quyền đánh người trộm chó, đánh hội đồng người gây tai nạn giao thông...
"Đây chính là công lý của sự cuồng nộ khiến đám đông khao khát trả thù, tự xử bằng luật rừng mà không thượng tôn pháp luật", ông kết luận.
Theo TS Giang, ngoài quy định của luật pháp thì giáo dục là chìa khoá giúp người dùng chọn lọc thông tin, tôn trọng ý kiến khác biệt của người khác. "Sông có khúc, người có lúc, không thể dựa vào hành động, phát ngôn của một người ở thời điểm nhất định để đánh giá cả cuộc đời người đó. Những nạn nhân cũng cần dũng cảm hơn, xuất hiện để nói rõ, không chấp nhận văn hoá lăng nhục trên mạng", ông nói.
Anh Cao Hoàng Nam, điều phối viên chương trình VPIS, cho biết các mạng xã hội có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam là Facebook, Twiter hay Youtube là những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ. Các công ty này đều cho rằng không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Dù các trang đều cài đặt chức năng "thông báo vi phạm", cho phép người dùng báo cáo nội dung sai sự thật, kích động thù hận song việc xoá bỏ chậm, không nhiều.
"Đã đến lúc buộc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc hạn chế những phát ngôn thù ghét, để người dùng mạng Việt Nam có môi trường an toàn, công bằng hơn", anh nói.
*Thực trạng phát ngôn gây thù ghét mạng xã hội ở Việt Nam
Hoàng Phương