Hương khói lam chiều vấn vít trên mái ngói, quyện vào những hạt mưa rào, phả lên người bà Phụng (Bình Dương). Bà Phụng năm nay đã 80 tuổi, móm mém ngồi trên bộ phản có niên đại cũng từ vài chục năm trước, tay bào củ cải, trộn bột vẫn điêu luyện như ngày nào, chốc chốc lại quay ra dặn thằng cháu nội đi siêu thị gần nhà mua chai "Mèo đen".
Tuần nào cũng vậy, cứ ngày mưa rào là đám cháu của bà Phụng được một bữa ăn bánh nếp, bánh củ cải, bánh hẹ... ngon lành. Mà thức bánh này, chẳng thể nào ngon đến vậy, nếu không được chấm nước tương Con Mèo Đen - Nam Dương. Bà quen miệng cứ gọi "Mèo đen", vì cũng gần 70 năm rồi, cả nhà bà đều gọi thế.
Ngày mưa, mâm cơm giản dị có nắm rau lang luộc, nồi cá cơm kho khô, chẳng cần dùng chi nhiều gia vị, cứ nêm, cứ chấm bằng chai "Mèo đen", là thấy vị giác được lấp đầy, thỏa mãn.
Trước đây, với một số gia đình Việt, Tàu vị yểu Con Mèo Đen quý lắm. Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà (sinh năm 1943) kể lại, từ thuở lên 10, bà bắt đầu học nấu ăn. Mà một trong những hình ảnh bà nhớ như in, là ông nội mỗi sáng tập thể dục xong, ngồi trên tràng kỷ, ăn cháo trắng cùng chén nước tương Con Mèo Đen Nam Dương. Tuy là cháo trắng nhưng nấu cũng không đơn giản, phải là gạo pha thêm chút nếp để tạo độ dẻo, sánh; đáy nồi hơi cháy, sệt lại. Lúc này chấm cùng chén nước tương, thêm chút ớt bột, ôi chao là béo, là thơm.
Thấy ông nội ăn cháo trắng, có lần bà Hà đề xuất nấu cháo đậu cho ông ăn đổi khẩu vị, nhưng ông nhất quyết không chịu vì chỉ có cháo trắng mới làm bật lên vị ngon của nước tương. Thỉnh thoảng bà quên cho ớt bột vào nước tương, thể nào cũng bị ông quở mắng.
Thời ấy ở Huế, các gia đình quyền quý, người có vai vế sẽ ngồi ăn mâm riêng. Ông nội của nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà cũng vậy, ông ăn xong, dọn đi, con cháu mới ngồi vào mâm. Chén nước tương được ông quý lắm, hôm nào cũng ăn hết. Chỉ vài hôm chén nước chấm còn đọng lại một ít, bà mới được nếm thử. Một lần nếm thử đó, hương vị mãi lưu lại trong ký ức. Để xuyên suốt trong 66 năm sau đó, với những món nhất thiết phải có nước tương, bà chỉ quen nêm nếm món ăn với Nam Dương.
Cái vị tròn ngon đậm đà ấy, vậy mà đã tồn tại gần 70 năm, trở thành thức chấm thơm ngon vấn vít bên mâm cơm gia đình Việt đến ngày nay, vượt qua biên giới, gây ấn tượng với những cây viết văn hóa, ẩm thực quốc tế. Đầu tháng 5/2019, Nam Dương đạt danh hiệu "Hương vị nước tương Việt Nam ngon nhất 2019" do tạp chí Culture Magazin (Canada) trao tặng sau hơn 2 tháng khảo sát và bình chọn.
Nhìn lại chặng đường phát triển của thương hiệu nước chấm này, mới thấy được dù trải qua bao đổi thay, Nam Dương vẫn luôn trung thành với chiến lược "giữ vị" để bảo tồn một hương vị mà người tiêu dùng yêu thích bấy lâu.
Năm 1951, tại Sài Gòn, một doanh nhân đặt xưởng nước tương có biểu tượng Con Mèo Đen tại bến Bình Đông. Thời điểm đó, thị trường có một nhãn hiệu nước tương nổi tiếng là Chuột Mickey, Con Mèo Đen ra đời như một tuyên ngôn cạnh tranh trên thị trường.
Với chiến lược phát triển tập trung vào chất lượng và hương vị, đến 1970, nước tương Con Mèo Đen đã đạt được một số thành tựu đáng kể với số nhân viên lên đến 400 người - một con số ấn tượng ở thời điểm đó. Công ty mở rộng nhà máy ở Lào, Campuchia và trở thành một trong những biểu tượng của sản phẩm gia vị Việt Nam những năm thập niên 70-80. Trong ký ức của nhiều người, nhà xưởng Con Mèo Đen tại khu Chợ Lớn ngày đó là một tòa nhà 3 tầng sầm uất, có quán cà phê, hội trường, phòng thể thao... như một khu phố thu nhỏ.
Đến năm 1981, doanh nghiệp được chuyển giao về Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (SaiGon Co.op). Lúc này, ngoài việc đảm bảo khẩu vị người tiêu dùng, Nam Dương cũng đề cao yếu tố chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm xuyên suốt quá trình sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp đạt được nhiều giải thưởng như Sao vàng Đất Việt (2005), Doanh nghiệp xanh vì thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (2012)... và liên tục được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao trong 18 năm liền.
Tiếp nối thành tựu trong nước, nước tương Nam Dương tiếp tục chinh phục thị trường nước ngoài, xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nga, Ba Lan, Hungary, Campuchia... Những sản phẩm nước chấm, nước tương, tương ớt, sốt chua ngọt, dầu dấm, dầu hào... với hương vị đặc trưng đã trở thành gia vị không thể thiếu trong bếp ăn của hàng triệu người Việt.
Tuy vậy, bị cạnh tranh gay gắt với những làn sóng mới trong xu hướng tiêu dùng, thị phần của Nam Dương ngày một thu hẹp. Từ năm 2007, chai nước tương dán nhãn chú mèo màu đen gần như chỉ được thấy trên kệ hàng của Co.opmart.
Sau năm 2007, Saigon Co.op tận dụng lợi thế của mình là hệ thống phân phối rộng khắp để đẩy mạnh việc tiêu thụ Nam Dương. Ở thời điểm đó, chỉ cần bán trong vòng tròn khép kín này, Nam Dương vẫn có thể phát triển vì hệ thống bán lẻ của SaiGon Co.op vốn được xem là hệ thống phân phối hiện đại lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, để thương hiệu này vươn xa hơn nữa lại có nhiều vấn đề khác phải giải quyết. Thứ nhất, Saigon Co.op chuyên bán lẻ, mảng sản xuất chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Trong bối cảnh ngành bán lẻ ngày một cạnh tranh, để đứng vững trên thị trường, đơn vị phải tập trung phát huy thế mạnh của chính mình - hệ thống phân phối; theo đó cần tìm đơn vị khác có chuyên môn đảm nhận khâu sản xuất Nam Dương.
Thứ hai, cũng là vấn đề sản xuất. Trong bối cảnh hiện đại, nếu không bắt tay cùng một đơn vị có thế mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu thì Nam Dương khó tạo đột phát như kỳ vọng. Lúc này, việc tìm đến một nguồn lực bên ngoài có chuyên môn để quản trị sản xuất, phát triển nghiên cứu sản phẩm, phân phối ra các nước khác... là cần thiết.
Vào thời điểm ấy, Tập đoàn Wilmar (Singapore) cũng đang tìm kiếm một thương hiệu Việt Nam phù hợp để tiến tới hợp tác liên doanh, mở rộng thị trường. Trước đó, Wilmar đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 qua hình thức liên doanh với Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), gây dựng Công ty trách nhiệm hữu hạn Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC). Sau 22 năm, liên doanh này trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường dầu trong nước với 60% thị phần, sở hữu những nhãn hiệu quen thuộc với người dùng: Neptune, Simply, Meizan, Cái Lân...
Với kế hoạch mở rộng thị trường, Wilmar tập trung khảo sát nhiều đơn vị, chọn lọc theo 3 tiêu chí: chất lượng sản phẩm, bề dày thương hiệu, hệ thống phân phối. Và nước tương Nam Dương là cái tên nhiều tiềm năng nhất. Đây là thương hiệu của Việt Nam có gần 70 năm phát triển ở mảng nước tương, có hương vị và chất lượng tốt, được nhiều người dùng ưa chuộng. Ngoài ra, Nam Dương lúc này được quản lý bởi SaiGon Co.op với thế mạnh ở kênh bán lẻ hiện đại.
"Còn rất nhiều yếu tố khác tác động vào, nhưng tổng hợp các điều kiện trên vào bức tranh tổng thể, chúng tôi nhận thấy việc liên doanh giữa 2 bên (SaiGon Co.op và Wilmar) sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của hai mảnh ghép để thương hiệu Nam Dương phát triển tốt nhất", ông Thái Kim Sơn, khi ấy đảm nhận vị trí Giám đốc phụ trách Kinh doanh khu vực phía Nam của CALOFIC cho biết.
Trước đề nghị của Wilmar, SaiGon Co.op đồng ý liên doanh, cùng các điều khoản hợp tác cân bằng nhằm đưa thương hiệu Nam Dương phát triển mạnh mẽ và bền vững. Lý do của cái gật đầu ấy đến từ việc hiểu rõ Wilmar có đủ điều kiện để giúp Nam Dương phát triển: tập đoàn có thế mạnh quản trị sản xuất với 500 nhà máy trên toàn thế giới; 2 trung tâm nghiên cứu lớn tại Thượng Hải và Singapore giúp kiện toàn năng lực quản lý chất lượng và phát triển sản phẩm; hệ thống phân phối của Wilmar phủ khắp với 170.000 điểm bán lẻ riêng ở Việt Nam và hiện diện ở 40 nước khác.
Ngày 27/10/2015, SaiGon Co.op và Tập đoàn Wilmar chính thức hợp tác liên doanh, thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Quốc tế Nam Dương (NDFC), bổ nhiệm ông Thái Kim Sơn làm Tổng giám đốc. Tỷ lệ cổ phần Wilmar và Saigon Co.op lần lượt là 51% và 49%. "Liên doanh mở ra cho Nam Dương diện mạo và tầm vóc phát triển mới", ông Thái Kim Sơn nói. Cụ thể, liên doanh đã thành lập nhà máy mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước với số vốn đầu tư 25,6 triệu USD. Nhà máy hoạt động vào tháng 12/2017, công suất 50.000 tấn một năm.
Từ năm 2015, NDFC được vận hành theo một hình thức mới nhưng chiến lược quan trọng nhất mà ông Sơn đặt ra cho Nam Dương vẫn nhất quán với con đường trước đây: phải bảo tồn hương vị truyền thống đặc trưng từ năm 1951.
Bởi với ông và nhiều người Việt như bà Phụng, Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà, Nam Dương không chỉ là nước tương, là thực phẩm, mà còn đóng góp một phần giá trị văn hóa vào nền ẩm thực truyền thống Việt Nam. Vậy nên, dù bảy thập kỷ trôi qua, Nam Dương ngày nay vẫn hiện diện trong từng bữa cơm nhà, làm đậm đà thêm vị ngon trong món ăn của bà, của mẹ.
Để bảo tồn hương vị nguyên bản của Tàu vị yểu Con Mèo Đen ngày trước, công thức sản phẩm và thiết bị chuyên dụng riêng vẫn được giữ lại, kết hợp với thiết bị hiện đại hoặc cải tiến nếu cần thiết. "Tức là về cốt lõi, quy trình vẫn được bảo lưu nguyên bản để lưu giữ hương vị truyền thống. Khi lắng nghe nhiều người dùng, nhận được phản hồi đây là hương vị ngày xưa họ từng yêu thích, tôi cảm thấy lâng lâng hạnh phúc vì những nỗ lực của mình và tập thể NDFC đang lèo lái thương hiệu này đi đúng hướng ", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, với chiến lược này, liên doanh đang có bước đầu phát triển đúng với mong đợi đặt ra: gia tăng số bán, độ phủ trên thị trường, tăng mức độ nhận diện thương hiệu, củng cố hình ảnh trong lòng người tiêu dùng. Nhà máy vừa đi vào hoạt động chỉ hơn một năm nhưng số lượng sản phẩm bán ra đã tăng trưởng ở mức 3 con số trên toàn quốc so với trước khi liên doanh.
Sau 4 năm liên doanh, cột mốc đáng nhớ nhất của ông Sơn và tập thể Nam Dương là những ngày đầu tháng 5 năm nay, đơn vị nhận được danh hiệu "Hương vị nước tương Việt Nam ngon nhất 2019" do tạp chí Culture Magazin (Canada) trao tặng cho dòng sản phẩm nước tương Nam Dương Đậm Đặc. Đây là kết quả được công bố sau hơn 2 tháng Culture Magazin tổ chức khảo sát và bình chọn.
Culture Magazin là tạp chí văn hoá song ngữ Việt - Anh tại khu vực Bắc Mỹ. Website của tạp chí này được Feedspot xếp hạng thứ 5 trong top 10 website văn hóa hàng đầu thế giới. Theo thông cáo của Culture Magazin, nước tương Nam Dương đạt được giải thưởng này nhờ hội đủ các tiêu chí: có hương vị được ban thẩm định tại Canada bình chọn nhiều nhất trong cuộc khảo sát; hội đủ các loại chứng từ kinh doanh hợp pháp (theo luật Việt Nam) và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; được người tiêu dùng trong nước yêu thích, chuyên gia ẩm thực đánh giá cao về hương vị.
Nói về giải thưởng này, ông Thái Kim Sơn thể hiện niềm tự hào đặc biệt. Bởi, "dù chúng tôi chăm chút sản phẩm, nhưng mỗi người mỗi vị. Vậy mà, sau khi đánh giá trực tiếp với những thương hiệu khác đang dẫn đầu thị trường, nước tương đậm đặc Nam Dương vẫn được người tiêu dùng yêu thích nhất. Đó không đơn giản chỉ là một danh hiệu mà còn là sự công nhận của người dùng, động lực để đội ngũ Nam Dương tiếp tục phấn đấu mỗi ngày".
Đơn vị cũng lập kế hoạch đưa nước tương Nam Dương vào hệ thống phân phối của Wilmar trên toàn thế giới. Trong cơ cấu doanh thu Nam Dương, hàng xuất khẩu chiếm 25-30%. Thời gian tới, để tăng trưởng sản lượng xuất khẩu, sản phẩm sẽ được xuất sang các nước xa hơn như Bắc Mỹ, Nhật Bản... Tuy vậy, Việt Nam vẫn là thị trường trọng điểm.
Về kỳ vọng trong doanh thu, ông Thái Kim Sơn cho biết mỗi giai đoạn sẽ có một mục tiêu nhất định. Chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng Nam Dương chỉ có một mục tiêu trọng tâm: tập trung vào chất lượng, đem đến cho người dùng những sản phẩm không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Khác biệt của sản phẩm là hương vị được nghiên cứu kỹ, phù hợp với khẩu vị của đa số người Việt. Ngoài ra, sản phẩm nước tương Nam Dương Đậm Đặc còn được nghiên cứu bổ sung vi chất sắt, góp phần cải thiện sức khỏe cho người dùng. Trong quá trình sản xuất, các nguyên liệu như chất tạo ngọt, màu... đều sử dụng nguồn gốc tự nhiên và được chọn lọc.
Một trong những điều ông Sơn tự hào là chỉ cần sử dụng nước tương Nam Dương lần một, tỷ lệ cao người dùng sẽ tiếp tục sử dụng lần hai, lần ba.
"Vì vậy tôi có niềm tin vững chắc là khi chúng tôi còn nỗ lực trau chuốt, sản phẩm sẽ còn tiếp tục được mọi người đón nhận, để nước tương Nam Dương không chỉ là một nước chấm mà còn có thể thổi hơi thở truyền thống vào từng bữa cơm nhà", ông Thái Kim Sơn khép lại câu chuyện đầy tự hào.
Hoài Nhơn