Trang Malaysia Now dẫn dữ liệu từ ba bệnh viện Yangon General, Hlaing Tharyar và Thingangyun Sanpya cho thấy ít nhất 59 người chết và 129 người bị thương chỉ riêng tại Yangon khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình. Theo các bác sĩ và nhân viên cứu hộ, con số thực tế cao hơn nhiều.
Trước đó, Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết 22 người thiệt mạng ở Yangon khi lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình tại khu công nghiệp Hlaing Tharyar, ngoại ô Yangon hôm 14/3. Thêm 16 người biểu tình và một cảnh sát thiệt mạng ở các khu vực khác, khiến hôm qua trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính tháng trước.
Theo AAPP, những trường hợp tử vong mới nhất nâng số người chết trong biểu tình chống đảo chính lên 126. Hơn 2.150 người bị bắt giam tính đến 13/3, trong đó hơn 300 người đã được thả. Nếu số liệu từ các bệnh viện được xác thực, số người chết trong biểu tình sẽ tăng lên nhiều.
Người biểu tình Myanmar hôm nay tiếp tục xuống đường ở thành phố Yangon, Mandalay và thị trấn miền trung Myingyan, nơi cảnh sát nổ súng. Hiện 6 quận của Yangon được đặt dưới lệnh thiết quân luật, đồng nghĩa bất kỳ ai bị bắt ở những nơi này đều bị tòa án quân sự xét xử thay vì tòa án dân sự, với mức án từ ba năm lao động khổ sai đến tử hình.
"Họ bắn vào chúng tôi", một người biểu tình 18 tuổi ở Myingyan nói. "Một cô gái bị bắn vào đầu và một cậu bé bị bắn vào mặt. Tôi nghe nói họ đã chết".
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội lấy lý do xảy ra gian lận bầu cử để tiến hành đảo chính, bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bà Suu Kyi hiện đối mặt 4 cáo buộc và sẽ hầu tòa lần hai trong hôm nay.
Bạo lực diễn ra một ngày sau khi Mahn Win Khaing Than, "quyền phó tổng thống" được đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bổ nhiệm, cho biết chính phủ dân sự sẽ tìm cách trao cho người dân quyền tự vệ hợp pháp.
Huyền Lê (Theo Reuters, Malaysia Now, AFP)