Ngày 5/8, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Bộ Y tế, cho biết tổng giá trị trúng thầu là 6.300 tỷ đồng (giá kế hoạch là hơn 7.630 tỷ đồng), tỷ lệ giảm giá là 17,25%, tiết kiệm 1.337 tỷ đồng so với giá mua năm trước đây.
Các thuốc tổ chức đấu thầu có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, chủ yếu là thuốc kháng sinh (44 thuốc), thuốc tiêu hóa (19), thuốc tim mạch (16), thuốc điều trị ung thư (11), thuốc điều trị tiểu đường (7) và 9 thuốc thuộc các nhóm điều trị khác.
Ông Dũng đánh giá kết quả đấu thầu sẽ góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc tại các địa phương, đặc biệt với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và điều trị bệnh tiểu đường.
Theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, các gói thầu do trung tâm mua sắm thuốc ký thỏa thuận khung và các cơ sở y tế ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu, thời hạn thực hiện đến hết tháng 8/2024. Trong trường hợp cần thiết, các cơ sở y tế và nhà thầu thỏa thuận thời gian ký hợp đồng trước tháng 9 và hợp đồng có thời hạn trong 24 tháng kể từ ngày ký.
Trước đó, việc tổ chức đấu thầu giai đoạn 2022-2023 được khởi động từ tháng 9/2021. Thời điểm đóng/mở thầu theo thông báo mời thầu đầu tiên vào ngày 10/2021, sau đó thêm 6 lần gia hạn và cuối cùng mở thầu vào tháng 2/2022, đến nay mới có kết quả. Như vậy, sau hơn 6 tháng chậm trễ, Bộ Y tế mới có kết quả lựa chọn nhà thầu cho ba gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia.
Đây là lần đầu tiên Trung tâm tổ chức đấu thầu thuốc số lượng lớn sử dụng tại tất cả tuyến cơ sở khám, chữa bệnh. Trước đây Trung tâm hầu như chỉ đấu thầu các thuốc điều trị ung thư (sử dụng tại bệnh viện chuyên khoa hoặc tuyến tỉnh, thành phố, Trung ương).
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là do các địa phương, đơn vị chậm đấu thầu thuốc. Lý do chậm là Trung tâm gặp khó khăn trong việc rà soát số lượng nhu cầu của tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, một số tình huống phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu. Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, phát hành hồ sơ mời thầu của Trung tâm, chuẩn bị hồ sơ dự thầu của nhà thầu gặp khó khăn.
Theo Bộ Y tế, 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo thực trạng thiếu thuốc, gồm thuốc kháng sinh, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết...
26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...