Sáng 24/3, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính và UBND huyện Vĩnh Linh tiêu hủy gần 500 tấn hải sản hư hỏng, nhằm đảm bảo môi trường.
Số hải sản này bị lưu kho gần 5 năm, sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Sở Y tế Quảng Trị xác nhận hải sản không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, lý giải việc chậm tiêu hủy do số liệu hải sản tồn kho của một hộ dân bị chênh lệch giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế.
Cụ thể, hộ ông Lê Thanh Tùng (thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) được Sở Y tế xác định còn 82,5 tấn mắm ruốc tồn kho, trong khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm đếm là 201 tấn. "Do khối lượng chênh lệch, Sở đề nghị tiêu hủy của 4 hộ dân kia trước, riêng hộ ông Tùng chờ xác minh lại", ông Nam cho hay.
Việc chậm tiêu hủy khiến việc kinh doanh của các hộ bị ảnh hưởng. Bà Lê Thị Huỳnh (60 tuổi, trú thị trấn Cửa Tùng) cho biết còn tồn kho 252,6 tấn mắm chợp và 17 tấn ruốc đặc, lỏng. Số hàng này hư hỏng nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bâu đen. Hàng tồn chưa tiêu hủy khiến cơ sở này mất khách hàng, giảm công suất và tốn chi phí kho bãi.
"Khách hàng sợ mình dùng hàng tồn để sản xuất nên họ không mua", bà Huỳnh nói. Trước sự cố môi trường biển, cơ sở này thu nhập hàng năm khoảng 500 triệu đồng, nhưng nay bị giảm công suất, lao động mất việc làm.
Tương tự, hộ ông Bùi Xuân Khiêm (63 tuổi, trú xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) tồn 44 tấn mắm chợp, ruốc. "5 năm liền chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi hôi thối", ông Khiêm nói. Kho chứa của gia đình công suất 100 tấn, nay bị giảm diện tích vì phải chứa hàng tồn. Cơ sở hoạt động cầm chừng, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng, đề nghị cơ quan thẩm quyền sớm tiêu hủy hàng tồn kho cho người dân để đảm bảo vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất.