Dỗ dành con trai chưa tròn một tuổi, chị Hà cho biết sau khi đưa con đi chơi về giữa trưa nắng, đến tối bé bắt đầu ho, sốt, thở mạnh, biếng ăn. Điều trị tại phòng khám gần nhà không đỡ, chị đưa con từ Đồng Nai đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và được chẩn đoán bệnh viêm phổi.
Các tỉnh Nam Bộ đang trong đợt nắng nóng cao điểm, trung bình 35-37 độ, chỉ số tia cực tím ở mức nguy hiểm. Trẻ em đổ bệnh rất nhiều. Tuần qua, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ đến khám, dự kiến còn tăng cao trong thời gian tới.
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ giảm. Bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, hoạt động tim phổi nhiều hơn nên dễ mệt và kiệt sức, khả năng chống chọi vi khuẩn giảm. Trẻ dễ mắc các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
Nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây bệnh đường ruột ở trẻ như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đàm máu, rối loạn tiêu hoá. Trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 30 trẻ bị các bệnh liên quan đến tiêu hóa phải nhập viện điều trị, cao gấp nhiều lần so với những thời điểm khác trong năm.
Trẻ mắc tay chân miệng cũng gia tăng. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 2.168 trẻ mắc bệnh, 450 bé phải nhập viện điều trị. Số bệnh nhân nội trú tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Những ngày nắng nóng vừa qua, chỉ số tia cực tím TP HCM ở mức rất cao, nguy cơ gây bỏng da, tổn thương mắt, ở trẻ nếu không tránh nắng kỹ. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột, chạy từ ngoài trời vào thẳng máy lạnh hoặc xuống hồ bơi ngay, tắm ngay khi vừa mới đi ra ngoài về nhà, tắm nhiều lần trong ngày, ngâm mình lâu trong bể bơi...
Thời tiết nóng bức, mặc quần áo bí bức dễ đổ mồ hôi nhiều, da trẻ nhạy cảm nên dễ nổi mẩn ngứa, viêm da...
Các bác sĩ cảnh báo, từ 10h sáng đến 2h chiều là thời điểm nắng nóng nhất, nhiều tia cực tím độc hại cho sức khỏe, nên hạn chế cho trẻ đi lại dưới nắng. Cho bé uống nhiều nước vì thiếu nước, thiếu điện giải thì dễ suy kiệt và bị bệnh. Tăng cường các loại nước trái cây, rau củ, bổ sung vitamin cho trẻ, bảo quản thực phẩm cẩn thận, tránh ôi thiu.
Phụ huynh không nên chủ quan các biểu hiện của trẻ như ho, sốt, sổ mũi, nếu để kéo dài không điều trị có thể khiến bệnh tình nặng hơn. Tránh nắng kỹ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột để tránh bị sốc nhiệt. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa tay thường xuyên để phòng bệnh.