Phó giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết những thai phụ này đã được chuyển về các bệnh viện thuộc tầng điều trị thấp hơn.
Bệnh viện Hùng Vương thuộc tầng 4 trong mô hình điều trị tháp 5 tầng của Sở Y tế TP HCM, tổng quy mô 1.200 giường. Thời gian qua, nơi này chuyển công năng theo mô hình "tách đôi", dành riêng một khu vực 120 giường để tiếp nhận thai phụ mắc Covid-19, trong đó có 12 giường điều trị bệnh nhân nặng. Cơ sở tiếp nhận sản phụ mắc Covid-19 từ ngày 21/7, đến nay đã có khoảng 540 F0 nặng.
Theo phó giáo sư Tuyết, ban đầu nơi này chỉ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân có chỉ định can thiệp sản phụ nhiễm Covid-19, sản phụ có thai kỳ trên 38 tuần. Nhưng sau đó có rất nhiều trường hợp đang mang thai 19, 20 tuần được đưa đến trong tình trạng suy hô hấp nên bệnh viện không thể không tiếp nhận.
Tùy tình hình sức khỏe của F0, bệnh viện sẽ phân tầng để chăm sóc và điều trị. Trẻ chào đời có mẹ dương tính sẽ được chuyển về Khoa Nhi chăm sóc, tránh nguồn lây.
Đội ngũ y bác sĩ tại đây đặt mục tiêu là bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cố gắng không để chuyển sang trung bình. Bệnh nhân đang có mức độ trung bình thì cố gắng không để chuyển sang nặng.
"Bệnh nhân có biểu hiện trung bình, chúng tôi sẽ xem xét tình hình thai kỳ. Nếu đánh giá em bé sinh ra có thể nuôi được, chúng tôi sẽ chấm dứt thai kỳ để vừa có thể cứu được mẹ, vừa cứu được con. Bởi khi chấm dứt thai kỳ, nhu cầu oxy của sản phụ cũng sẽ giảm, việc xử lý suy hô hấp cũng dễ dàng hơn", bác sĩ Tuyết cho biết.
Giám đốc bệnh viện nhận định, việc điều trị, chăm sóc thai phụ mắc Covid-19 "khó gấp rất nhiều lần" vì bản chất là phải điều trị cho cả mẹ và con. Khi mang thai, bản thân người bình thường đã khó thở, còn người nhiễm Covid-19 bị tổn thương đường hô hấp, nguy cơ thiếu oxy cho cơ thể sẽ tăng cao, việc giữ thai nhi khỏe mạnh là điều rất khó.
Trong phân tầng điều trị của Bộ Y tế, các thai phụ cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao có thể diễn biến nặng. "Phác đồ điều trị Covid-19 hoàn toàn khác với chuyên ngành sản phụ khoa, nhi sơ sinh nên các y bác sĩ phải học hỏi để thích ứng với tình dịch dịch bệnh", theo phó giáo sư Tuyết.
Ngày 9/8, bác sĩ Đinh Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em) đã đánh giá Bệnh viện Hùng Vương "đang làm rất tốt" công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân là sản phụ mắc Covid-19.
Ông cho rằng, trong bối cảnh đại dịch tại TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, phụ nữ có thai cũng dễ mắc Covid-19 như những người khác. Khi đó, sản phụ và thai nhi dễ bị ảnh hưởng sức khỏe hơn bình thường, nhất là khi mẹ bị suy hô hấp sẽ dẫn đến thiếu oxy ở bào thai, gây tình trạng thai lưu, sảy thai, đẻ non. Bên cạnh đó, bệnh có thể gây biến chứng với sản phụ như tắc mạch, suy hô hấp, rối loạn đông máu... Với người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiểu đường thai kỳ, tăng cân quá mức thì tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn.
Theo bác sĩ Tuấn, những kinh nghiệm của các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương trong chăm sóc trẻ sơ sinh và xử trí đối với thai phụ mắc Covid-19 (tuổi thai khác nhau, mức độ biểu hiện lâm sàng khác nhau) là rất quý đối với chuyên ngành sản phụ khoa trên cả nước khi phải ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh.
Bác sĩ Tuấn đề nghị Sở Y tế TP HCM ưu tiên bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt là hệ thống oxy và máy thở để các bệnh viện chuyên khoa phụ sản và Bệnh viện Hùng Vương thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị cho các bà mẹ nhiễm Covid-19 và trẻ sơ sinh.
Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện chuyên ngành sản - phụ khoa tuyến cuối của TP HCM và khu vực phía Nam, bên cạnh Bệnh viện Từ Dũ. Y bác sĩ nơi này đang chịu trách nhiệm vận hành Bệnh viện dã chiến số 16 TP HCM.