Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vừa phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II tại Đà Lạt. Mục đích nhằm tạo cầu nối để các doanh nhân sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới có thể chia sẻ những bài học, kinh nghiệm ứng phó với các thay đổi trong môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong nước, cũng như mang đến khả năng hợp tác giữa các bên.
Theo Thứ trưởng Bộ ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, buổi gặp gỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; phát huy vai trò cầu nối doanh nghiệp trong nước với doanh nhân kiều bào. Đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác liên kết, liên doanh trong các hoạt động đầu tư, sản xuất để khai thác tốt nhất cơ hội làm ăn ở trong và ngoài nước. Ông cũng kỳ vọng các lãnh đạo sẽ tìm được đối tác, đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và thu hút đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, tương trợ nhau cùng phát triển.
![DSC-4668-JPG-1375862696_500x0.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/08/07/DSC-4668-JPG-1375862696.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ibBZd1kop4R1i8fc8NGcMA)
Cuộc gặp giữa doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước diễn ra sáng nay tại Đà Lạt. Ảnh: Quốc Dũng
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài vào trong nước tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Quy mô các dự án đầu tư ngày càng mở rộng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tài chính trong nước.
Hiện 51 tỉnh thành có các dự án đầu tư của người Việt ở nước ngoài, với số vốn đóng góp hơn 8,6 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản….
Khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại trên 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển kinh tế đất nước thời gian qua đạt nhiều kết quả. Lượng kiều hối mà kiều bào gởi về nước ngày càng tăng và trở thành nguồn tài chính quan trọng. Thống kê năm 2012, kiều hối đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, đưa Việt Nam đứng thứ 7 trong số 30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất thế giới.
Quốc Dũng