Ngày 13/7, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đang hoàn tất thủ tục để khởi tố vụ án phá rừng xảy ra ở huyện biên giới Nam Giang.
Người dân xã La Ê (huyện Nam Giang) trong lúc đi rừng phát hiện gần 280 phách gỗ pơ mu được giấu trong cánh rừng phòng hộ giáp biên giới với Lào nên trình báo chính quyền. “Hạt Kiểm lâm Nam Sông Bung vào cuộc kiểm tra, xác định có 28 khối gỗ bị giấu ở đây”, ông Tuấn nói và nhận định, số gỗ quý này bị lâm tặc đốn hạ trong rừng phòng hộ, đang chờ cơ hội để vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
Nhà chức trách ước tính số gỗ bị đốn hạ từ 30 cây pơ mu có đường kính khoảng một đến 2 mét. Tang vật sau đó được chuyển về tập kết tại Đồn Công an xã Chaval.
“Tôi là người địa phương miền núi nhưng chưa khi nào thấy số lượng gỗ bị đốn hạ, cưa xẻ nhiều đến vậy. Đây là loại gỗ pơ mu cực kỳ quý hiếm còn sót lại khu vực biên giới, phải có đơn vị nào đứng phía sau thì lâm tặc mới dám phá rừng như vậy”, một cán bộ người địa phương cho biết.
Trước nghi vấn này, người đứng đầu lực lượng kiểm lâm Quảng Nam cho hay, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra mới xác định được trách nhiệm của những người liên quan. “Hiện tại chưa thể khẳng định có bảo kê hay không”, ông nói.
Pơ mu là một chi trong họ hoàng đàn. Tại Việt Nam, pơ mu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt. Vì thế gỗ pơ mu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, đồ gia dụng. Loại gỗ này được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996. Quảng Nam là một trong những tỉnh hiếm hoi còn sót lại những cánh rừng pơ mu.
Tại huyện Tây Giang, 725 cây pơ mu đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. “Vương quốc” pơ mu này nằm liền kề với khu rừng phòng hộ nơi người dân vừa phát hiện 280 phách pơ mu đã được cưa xẻ.
Tiến Hùng