Theo GS TS Đỗ Hoài Nam, cuộc triển lãm thành công bởi có sự đóng góp hiện vật, tư liệu từ 160 người, hộ gia đình ở Hà Nội.
Góc một ngôi nhà với những đồ vật đặc trưng của thời bao cấp. Ảnh: P.V |
Ông Nguyễn Ngọc Phan, 66 tuổi, Khu đô thị Linh Đàm, đóng góp một chiếc xe đạp với đầy đủ giấy chứng nhận sở hữu được cấp từ năm 1978. Theo ông Phan, khi chuyển công tác về Hà Nội, ông phải làm thủ tục chuyển vùng cho cái xe để công an cấp chứng nhận sở hữu mới. Nếu không chuyển vùng thì không được cấp sổ mua phụ tùng để thay thế.
Đóng góp chiếc xe đạp Pơ-giô mua năm 1985, bà Nguyễn Thị Ban, nguyên cán bộ xã Quảng An, cho biết, bà tiết kiệm mãi mới mua được cái xe đạp. Một hôm, cháu nội lấy xe để tập làm xước sơn. Tiếc xe, hôm sau đóng xe vào hộp cất đi nên bây giờ chiếc xe vẫn còn mới.
Hiện vật từ thời bao cấp. Ảnh: Hoàng Hà |
Còn ông Lê Gia Thụy, phố Lương Khánh Thiện, cho biết, để mua được chiếc xe đạp Thống Nhất, ông phải có thành tích một năm chiến sỹ thi đua. Ông Thụy còn giữ lại những sổ mua phụ tùng xe giá cung cấp, giấy chứng nhận xe được ra vào cơ quan Bộ...
Khá nhiều người trao tặng những loại tem phiếu như phiếu thực phẩm, chất đốt, lương thực... mà họ còn giữ lại từ những năm 1960-1980. Bà Lê Thị Thắng, nguyên cán bộ Tuyên huấn Thành ủy HN, nhận xét, tem phiếu một mặt gây cho người ta những căng thẳng, bức xúc, ép phải mua hàng hóa trong một thời hạn nhất định hay là tiêu chuẩn thế nào chỉ được mua đúng như thế. Tuy nhiên, người nghèo nhất, lương thấp nhất cũng không lo chuyện đói.
Dụng cụ cuốn thuốc lá này là phương tiện tăng nguồn thu của không ít gia đình. Ảnh: P.V |
Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp còn được ghi lại khá đa dạng qua hàng trăm hiện vật, từ những chiếc quần cũ được quay ống, áo cũ được lộn cổ để tái sử dụng, vỏ chăn may từ vỏ bao đựng đường, những lọ Penixinice đựng mì chính, đôi dép nhựa Tiền Phong, chiếc áo lông Đức, hòn đá dùng xếp hàng để giữ chỗ mua lương thực...
Những hiện vật này đã đem đến những cảm nhận sâu sắc và xúc động cho người xem, khi chứng kiến một thời gian khó của đất nước. "Gia đình tôi đã trải qua thời kỳ bao cấp, những hiện vật ở đây đã giúp tôi hồi tưởng lại những năm tháng nhọc nhằn của cả dân tộc. Cuộc sống đầy đủ hơn ngày hôm nay được làm nên, một phần bởi chính những giá trị từ quá khứ", anh Hải, Lý Thường Kiệt, chia sẻ.
Đoàn Loan