Là một trong những cư dân lâu đời ở Mả Lạng, ông Phạm Ngọc Khánh, theo mẹ đến khu Mả Lạng từ năm 1970. Chủ cũ chia đôi căn nhà trệt đang ở, bán lại cho gia đình ông 24 m2. Thời điểm đó, quanh nhà còn nhiều mồ mả xen cài.
Mẹ mất, căn nhà được để lại cho ông và em gái nhưng vướng quy hoạch, lại có quyết định thu hồi đất làm dự án nên bị cấm sang nhượng. Công việc bấp bênh, thu nhập thấp, cả hai gia đình không thể mua được chỗ ở mới để ra riêng. Căn nhà trệt chưa đến 30 m2 với gác lửng dựng tạm bằng ván ép trở thành chỗ tá túc của 8 người.
Khu Mả Lạng, hay còn gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh diện tích gần 7 ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh, quận 1, ngay cạnh khu Phố Tây Bùi Viện. Nơi này trước là nghĩa địa, sau đó được thành phố cho di dời, từ đó nhiều người đến sống và trở thành khu dân cư ở trung tâm thành phố.
Chị Phạm Huyền Sơn, 48 tuổi, em gái ông Khánh, nói đã trên dưới chục lần chuẩn bị giấy tờ nhà đất để phục vụ đo đạc, đối thoại giải tỏa, đền bù với chính quyền, nhà đầu tư. Chị cũng từng theo đoàn đi tham quan khu tái định cư ở Bình Chánh "nhưng cuối cùng cả nhà vẫn sống tạm bợ hàng chục năm qua" vì dự án chưa triển khai, thành phố hai lần thay đổi nhà đầu tư.
Theo đó, từ năm 2000, TP HCM chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. Bảy năm sau, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự án tiếp tục bị treo.
Năm ngoái, chính quyền thành phố có công văn từ chối nhà đầu tư Bitexco do "không có cơ sở xem xét đề xuất tiếp tục thực hiện". Giờ đây, dự án đã bị thu hồi, nhưng TP HCM vẫn giữ quy hoạch với khu Mả Lạng và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tìm kiếm nhà đầu tư mới.
"Tôi mong thành phố tìm được nhà đầu tư, đền bù thỏa đáng để chúng tôi có tiền kiếm chỗ ở đàng hoàng", ông Khánh nói khi mùi cá chiên ngập căn gác xập xệ cũng là chỗ ngủ của gia đình 4 người. Người đàn ông 55 tuổi không giấu được lo lắng khi cháu trai đến tuổi cưới vợ "nếu thêm một gia đình, căn nhà càng thêm bức bối".
Đến khu Mả Lạng sinh sống cùng thời điểm với ông Khánh, ông Trần Giang nói khi nghe tin thành phố từ chối quyết định đầu tư với Bitexco, quận thu hồi thông báo thu hồi đất, chỉ "vui một nửa" bởi người dân vẫn "chưa hết khổ".
Theo ông Giang, thành phố thu hồi dự án nhưng Mả Lạng vẫn là khu vực đã được quy hoạch, cần giải tỏa chỉnh trang đô thị nên nhà không thể xây mới, chỉ được xin phép sửa chữa. Gần 25 năm qua, căn nhà trệt rộng gần 100 m2 không chỉ là chỗ ở của 10 thành viên thuộc ba gia đình mà còn nơi kinh doanh, bán hàng tạp hóa của vợ ông và hai người cháu.
Người đàn ông sắp bước vào tuổi 60 nói rằng nếu không bị quy hoạch, căn nhà bề ngang 5 m, dài 20 m, có thể xây kiên cố 3-4 tầng, đủ chỗ ở cho các thành viên. Cả chục người sẽ không phải chui rúc chung một tầng trệt chật hẹp hàng chục năm qua.
"Lúc kinh tế phát triển nhà đầu tư còn không triển khai được dự án, tình hình này chưa biết đến bao giờ dân Mả Lạng thôi thấp thỏm", ông Giang nói, nhớ lại những lần đối thoại với chính quyền, chủ đầu tư về phương án giải tỏa, tái định cư, giá bồi thường... "không khí luôn căng như dây đàn".
Số liệu từ UBND quận 1, năm 2017, để chuẩn bị công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án của nhà đầu tư Bitexco, địa phương tổ chức đo đạc, kiểm đếm toàn bộ khu vực. Tứ giác Nguyễn Cư Trinh có 1.363 hộ dân bị ảnh hưởng với 7.228 người đang sinh sống.
Căn nhỏ nhất chỉ rộng hơn 3 m2. Có trên 180 căn diện tích dưới 10 m2, nếu tính diện tích dưới 30 m2, số lượng này lên đến 758. Vùng lõi của khu vực tập trung đông dân, nhà ở xập xệ, chen chúc. Người dân chủ yếu bán hàng rong, lao động tự do... Tại thời điểm khảo sát, hầu hết căn hộ không đảm bảo yêu cầu về sinh hoạt tối thiểu, giao thông, vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Về hạ tầng, ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, cho biết tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã được quy hoạch, có giai đoạn tìm được nhà đầu tư, địa phương đã ra quyết định thu hồi đất nên khu này không được đầu tư mới hạ tầng. "Đường xá nhỏ hẹp, quanh co, qua thời gian hư hỏng, xuống cấp. Địa phương chỉ duy tu kiểu hư đâu sửa đó nếu người dân có đơn yêu cầu", ông Phát nói.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó bí thư quận 1, nói tứ giác Nguyễn Cư Trinh được quy hoạch là khu phức hợp nhiều chức năng như văn phòng, nhà ở... Những hộ có đất rơi vào khu vực được quy hoạch nhà ở mong muốn được cấp phép xây nhà, tiếp tục ở lại. Trường hợp khác mong thành phố sớm tìm được nhà đầu tư triển khai dự án. Người dân sẵn sàng rời đi nhưng mong được đền bù thỏa đáng, giải quyết dứt điểm để ổn định cuộc sống.
Về tìm kiếm nhà đầu tư mới, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 23 liên quan công tác đấu thầu các dự án có sử dụng đất của nhà nước quản lý. Trên cơ sở này, Sở sẽ phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu để sớm tìm nhà đầu tư phù hợp thực hiện dự án.
"Tôi là người dân ở đó tôi cũng bức xúc, nhưng tìm một nhà đầu tư đủ năng lực và đảm bảo các điều kiện theo quy định phải cần thời gian nghiên cứu, rà soát", bà Mai nói.
Lê Tuyết