Một ngày trước đó, các học sinh được người FPT từ ba miền Bắc - Trung - Nam đón, di chuyển bằng máy bay hoặc ôtô (với các em ở các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...) về ngôi nhà nội trú tại phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Nhiều em lần đầu đi máy bay nên còn rụt rè, lo lắng.
Tại cổng trường, hơn 40 em nhỏ trong màu áo xanh dương (màu tượng trưng cho hy vọng, như tên gọi của trường), đứng thành hai hàng dọc, đánh trống chào mừng những thành viên mới. Bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Hy Vọng, cũng trực tiếp đón người thân, gia đình các em nhỏ đến nhập học.
Em Ngọc Diệp (8 tuổi) đã lên sân khấu song ca cùng nhạc sĩ Trương Quý Hải trong tiết mục chào đón những bạn mới tới trường. Diệp là một trong những học sinh của trường nội trú Hy Vọng được đón về trường từ sau Tết Nguyên đán.
Diệp kết bạn với người bạn mới đến, Chu Quang Khánh, cùng tuổi và trong ít phút đã trở nên thân thiết khi cô bé hướng dẫn Khánh cách gấp chăn. Diệp còn chỉ chỗ cho bạn cất đồ đạc, giới thiệu những khu vực trong khuôn viên nhà nội trú. Năm nay, Diệp và Khánh cùng lên lớp 2.
Đây là đợt hai trường Hy Vọng đón các học trò mồ côi - nạn nhân của Covid-19. Các em mất cha hoặc mẹ, thậm chí cả cha lẫn mẹ. Nhiều bé là anh em trong cùng gia đình. Trong đó, có những hoàn cảnh anh trai phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê, lấy tiền nuôi em gái tiếp tục đến trường. Nhiều gia đình từng gửi con từ sau Tết Nguyên đán, nay gửi thêm những đứa em để anh, chị em được học hành với nhau.
Chào đón những đứa con về với ngôi nhà mới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, nhà sáng lập trường nội trú, nói Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô, anh chị em trong trường, đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.
"Bằng tình yêu, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người. Hơn thế nữa, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình, khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội", ông nhắn nhủ.
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án trường Hy vọng, là người trực tiếp chăm lo và đồng hành cùng các em nhỏ từ ngày đầu đến trường, từ bữa ăn, giấc ngủ. Ông nói, mình nhớ từng khuôn mặt học trò với những hoàn cảnh khác nhau, nhớ những lần đến gõ cửa từng nhà để thuyết phục gửi gắm con em đến trường. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô, thêm nhiều em nhỏ gia nhập mái nhà Hy Vọng, từ đó được nâng đỡ ước mơ, san sẻ bớt nỗi lo cho cha, mẹ sau đại dịch.
Hai ngày qua, nhiều phụ huynh chứng kiến, trải nghiệm cuộc sống mới của con, cháu, trút dần mối lo khi các em xa nhà. Cụ Lê Thị Phượng, 88 tuổi, ở Thanh Hoá mừng khi thấy các cháu được rèn luyện chỉn chu về nề nếp, từ bữa ăn, đi đứng, chào thưa rõ ràng. Cụ Phượng là bà ngoại của hai chị em Lê Thư Kỳ (14 tuổi) và Lê Anh Thư (12 tuổi). Hai em mồ côi cha mẹ, giờ cùng nhập học tại trường.
Bà Lô Thị Bích Quý, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), người có cháu nội là Trần Quang Hưng đã nhập học trường Hy Vọng vào đợt tháng 2, chia sẻ về những biến chuyển của cậu bé 13 tuổi sau nửa năm vào trường. Hưng học lớp 7, sốc khi cha qua đời cuối tháng 8/2021 vì Covid-19. Cậu thiếu niên tự thu mình lại, ăn xong là chạy lên lầu, không ra khỏi nhà và không giao tiếp với ai. Bà đọc báo thấy tập đoàn FPT công bố sẽ tuyển sinh 1.000 học sinh mồ côi, mất cha mẹ vì đại dịch và sẽ tạo điều kiện cho các em học hành đến nơi đến chốn.
Bà Quý kể, khi ấy "không dám nghĩ đến" vì nghĩ cháu mình không đáp ứng điều kiện tuyển sinh. Nhờ sự kết nối của chính quyền địa phương, khi ông Hoàng Quốc Quyền và các thầy cô đến nhà gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, bà Quý còn ngơ ngác "thực sự có ngôi trường như thế sao?"
Ăn Tết Nhâm Dần xong, bà khăn gói đưa cháu nhập trường cách nhà 15 km. Cậu bé không nói nhớ nhà, nhưng nghe giọng trong điện thoại, bà biết cháu buồn nhiều và lo Hưng không hòa nhập được. Có lần nhớ cháu quá, bà từng nghĩ đến việc lấy một chiếc xe đi qua cổng trường nhìn xem Hưng học thế nào.
"Nhưng Hưng hôm nay đã khác", bà nội 66 tuổi đứng trước gần 300 phụ huynh và học sinh cả cũ lẫn mới trong đêm chào đón học sinh mới, chia sẻ.
Hưng trước đây "là một anh con trai mặc cảm vì nặng ký, ngại gặp người lạ", giờ là một cậu thiếu niên tự tin khoe "đã làm tiểu đội trưởng" và cao hơn bà nửa cái đầu. Bà không cần Hưng phải gọi điện cập nhật tình hình hàng ngày, chỉ cần nhắn tin "con khỏe, con vui" là thấy yên tâm. Cậu bé giờ thích ở trường hơn về nhà. Được nghỉ hè ba tuần, Hưng kêu nhớ và tự đạp xe 15 km từ nhà đi thăm anh em trong trường Hy vọng.
Chứng kiến sự thay đổi của cháu nội, bà Quý nhắn nhủ các phụ huynh: "Hãy cứ yên tâm, khi các cháu vào đây đồng nghĩa với cuộc đời sẽ có thêm một niềm hy vọng". Bà mong những đứa trẻ nhập trường hôm nay tự nắm bắt cơ hội để tạo cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn mai sau.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, cảm ơn những người sáng lập trường nội trú Hy Vọng cho trẻ mồ côi sau đại dịch. "Hôm nay tôi nhìn thấy sự rạng rỡ trên khuôn mặt của các con, nhất là những em vào trường qua một học kỳ khi tự tin khi đứng trên sân khấu, đó là điều rất cảm xúc", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, những em nhỏ về trường đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng may mắn sau những lần các thầy cô lặn lội đến các hộ gia đình thuyết phục, đã được đưa về trường trong dịp này. Bà mong mỏi các em đã nhập trường nỗ lực hơn nữa để thay đổi chính cuộc đời và không phụ tình yêu thương, chăm chút của các thầy cô.
Trước đó, tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình khởi xướng ý tưởng xây dựng ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, với mong muốn tạo ra môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.
Trẻ em yếu thế sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Để đồng hành hỗ trợ trẻ em yếu thế, độc giả có thể ủng hộ tại đây.
Nguyễn Đông - Hồng Chiêu