"Giờ tôi mời các bên trong hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc thông qua quyết định mang tên Thoả thuận Paris đã được phác ra những nét chính trong văn bản", BBC dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), nói.
"Tôi nhìn trong khán phòng và có thể thấy phản ứng tích cực, tôi thấy không ai phản đối. Thoả thuận Paris được thông qua", ông Fabius nói tiếp. Khi ngoại trưởng Pháp gõ một chiếc búa nhỏ màu xanh, chính thức thông qua thoả thuận và nói: "Dù là một chiếc búa nhỏ, nó có thể làm những điều lớn lao", các đại biểu đứng lên, vỗ tay.
"Các bạn đã đạt được một thoả thuận đầy tham vọng, một thoả thuận ràng buộc, mang tính toàn cầu. Tôi không thể bày tỏ hết sự cảm kích của mình tới những người tham gia hội nghị này. Các bạn có thể tự hào khi đứng trước con cháu mình", Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với các đại biểu tham gia COP21.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng các nước đã bước vào một kỷ nguyên mới về hợp tác toàn cầu đối với một trong những vấn đề phức tạp nhất mà loài người phải đối phó.
"Lần đầu tiên, các nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm phát thải, tăng cường thích ứng và chia sẻ động lực để cùng thực hiện hành động chung. Đây là một thành công rực rỡ của sự hợp tác toàn cầu", ông Ban nói.
Gần 200 nước đã tham gia đàm phán để đạt thỏa thuận biến đổi khí hậu đầu tiên, buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Thoả thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện, nhằm ngăn ngừa toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C - ngưỡng sẽ gây ra ngập lụt toàn cầu theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Nhiệt độ trung bình ngày nay là 15 độ C.
Theo thỏa thuận, để giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ cung cấp 100 tỷ USD/năm.
Sau khi được thông qua tại Paris, thoả thuận này sẽ được gửi đến Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ. Nó được để ngỏ một năm và sẽ được ký kết vào ngày 22/4/2016, là ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day).
Thoả thuận sẽ được thực hiện sau khi 55 nước chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu gửi văn kiện về việc thông qua cam kết.
Trọng Giáp - Việt Anh