Thứ năm, 1/5/2025
Chủ nhật, 31/12/2023, 05:00 (GMT+7)

Gần 200 người làm nhà rông ở Tây Nguyên

Kon TumHàng trăm người Xơ Đăng ở làng Kon Rôn suốt hai tháng ròng vào rừng chặt tre, nứa, vật liệu làm nhà rông cao gần 16 m.

Nhà rông truyền thống của người Xơ Đăng ở làng Kon Rôn (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) được làm từ vật liệu như tre nứa, gỗ, mây... Trải qua hàng chục năm, "trái tim" của làng đã xuống cấp, hư hỏng.

Giữa tháng 9, dân làng bắt đầu góp tiền của, công sức để dựng lại nhà mới và làm lễ cúng Yàng (thần linh) để xin phép cho làng thực hiện.

Hàng chục người được phân công tháo dỡ nhà rông cũ, những người còn lại vào rừng tìm kiếm, thu gom nguyên vật liệu cần thiết để bắt đầu xây dựng nhà rông mới. Việc tham gia làm nhà rông trên tinh thần tự nguyện, tự giác.

Những người lớn tuổi thì chẻ lạt (dây cột), đan phần trang trí trên đỉnh mái nhà rông.

Ông U Bảy (50 tuổi) cho biết phần lớn nguyên vật liệu xây dựng nhà rông đợt này tận dụng từ nhà rông cũ tháo dỡ ra, những vật liệu khác như dây cột, lá mây lợp mái, tre nứa... phải vào rừng sâu lấy.

Việc xây dựng nhà rông không có bản vẽ thiết kế. Tất cả dựa vào trí nhớ, kinh nghiệm và vận dụng những vật liệu sẵn có để làm, nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn xác, giữ đúng kiến trúc truyền thống.

Phụ nữ lên rừng lấy lá mây về bện lại lợp mái, luộc dây để đảm bảo tính dẻo dai và không bị mối mọt.

Phần lớn đàn ông trong làng đều tham gia việc lợp mái.

Làng có hơn 900 người, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá). "Để hoàn thành nhà rông sớm hơn dự kiến, phục vụ các dịp lễ lớn của làng như lễ Ting Pêng (bắn vật để hiến sinh thần linh), Tết Dân tộc trong năm nay, người dân có lúc phải tăng cường làm ban đêm", ông U Nam Huế, trưởng làng cho hay.

Trai tráng được giao phần công việc nặng nhọc trong quá trình xây dựng nhà rông như: làm giàn, khiêng dựng cột, vì kèo, thắt mối buộc sao cho chắc chắn, đẹp mắt...

Tấm phên được người dân cố định bằng dây mây, tre...

Nhà rông cao 15,5 m, rộng 12 m, chiều dài phần nhà chính 22 m, phần sàn đầu cửa vào dài 5 m. Tổng diện tích sàn hơn 300 m2, sức chứa hơn 200 người.

Lợp xong mái bằng lá mây, dân làng trùm thêm tấm phên đan bằng tre bên ngoài.

Mỗi ngày gần 200 người tham gia xây dựng nhà rông. Họ làm việc không ngừng nghỉ từ ngày 15/9 đến ngày 7/11 thì hoàn thành, tổng cộng hơn 10.000 ngày công với số tiền đóng góp hơn 50 triệu đồng.

Người già lẫn người trẻ trong làng cùng hợp sức nâng tấm phên đan bằng tre không lồ để trùm lên nhà rông mới.

Có tất cả 5 lần cúng tế trong quá trình xây dựng, cuối cùng là lễ mừng nhà rông mới. Đây là dịp để dân làng tạ ơn thần linh và cầu mong may mắn, công việc xây dựng suông sẻ cũng như kêu gọi thần linh về chung vui cùng dân làng khi nhà rông được hoàn thành.

Nhà rông là nơi tụ họp dân làng, diễn ra nghi thức, lễ hội và lưu giữ các hiện vật truyền thống như: cồng, chiêng, trống, vũ khí, các vật tế lễ...

Nguyễn Ban