Những ngày qua, hàng loạt hoa sữa cổ thụ có đường kính gốc từ 50-80 cm, hàng chục năm tuổi, dọc hai bên đường Mai Hắc Đế, Nguyễn Công Trứ, Y Wang..., lá đang xanh tốt, bỗng chuyển sang xám, rụng khắp vỉa hè, đường phố. Cành, thân dần khô khốc.
Người dân thường xuyên đi qua tuyến phố này tỏ tiếc nuối, hụt hẫng khi thấy hàng loạt cây hoa sữa khô héo, nguy cơ chết. "Tuần trước, tôi chạy qua đường Mai Hắc Đế vẫn thấy bóng cây che mát vỉa hè, nay trơ trụi, không rõ nguyên nhân vì sao", anh Lê Văn Cao, 35 tuổi, nói và cho biết, hàng cây này gắn bó với người dân phố núi nhiều năm qua, nhất là mỗi mùa hoa nở.
Chị Anh Thư, ở phường Tân Thành chia sẻ, bản thân và nhiều người dân sinh sống trên đường Mai Hắc Đế lần đầu chứng kiến những cây hoa sữa có dấu hiệu lạ như vậy. "Hàng cây đã tồn tại hàng chục năm qua, tạo cảnh quan, dấu ấn riêng cho tuyến phố. Nếu chúng chết đi thì thật đáng tiếc", chị nói.
Ngày 5/7, ông Bùi Văn Quý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và môi trường Đăk Lăk, cho biết sau khi nắm thông tin, đơn vị đã kiểm tra và xác định không có dấu hiệu cho thấy các cây hoa sữa bị đầu độc.
"Hoa sữa trụi lá, héo cành là do sâu bệnh. Chúng tôi đã cho phun thuốc phòng, trừ sâu và theo dõi diễn biến của cây để đưa ra các giải pháp thích hợp", ông Quý nói.
Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia, còn được gọi dân dã là mùa cua, mồng cua... Cây có đặc điểm cao, tán rộng, vỏ dày, chảy nhựa màu trắng sữa nên thường gọi là hoa sữa. Mùi hương của loài hoa này gây dị ứng đối với người nhạy cảm, không tốt cho người có sẵn bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản.
TP Buôn Ma Thuột là địa phương có tỷ lệ bao phủ cây xanh cao nhất cả nước, với hơn 20.000 cây xanh được trồng dọc đường phố và trong công viên. Có 80 loại cây, chủ yếu sao, giáng hương, cẩm lai, hoa sữa, cơ nia, xà cừ, long não...
Trần Hóa