Tổng giải thưởng cho các cơ thủ nam là 4,7 tỷ đồng, trong đó nhà vô địch nhận 1,9 tỷ đồng, tương đương 100 triệu won. Tổng thưởng cho các cơ thủ nữ là 1,9 tỷ đồng, còn nhà vô địch nhận 750 triệu đồng, tương đương 40 triệu won. Sự chênh lệch nằm ở chênh lệch số lượng VĐV ở mỗi giới, cùng sức hút.
Cơ thủ hàng đầu Việt Nam Nguyễn Quốc Nguyện đánh giá đây là mức thưởng rất hấp dẫn, thậm chí cao hơn Giải vô địch carom 3 băng thế giới, tổ chức tại Bình Thuận vào tháng 9. Theo đó, giải có tổng thưởng khoảng 3,3 tỷ đồng và nhà vô địch nhận tương đương 1,2 tỷ đồng.
Hiệp hội Billiard chuyên nghiệp Hàn Quốc (PBA) đã giữ số tiền thưởng 100 triệu won cho nam từ lần đầu tổ chức giải vào năm 2019. Trong khi đó, tiền thưởng cho nữ ban đầu là 20 triệu won, sau tăng lên gấp đôi như hiện tại.
"Nếu bắt đầu từ số tiền thưởng thấp rồi lên dần thì không còn sức tác động", Phó chủ tịch PBA Lee Hee-jin nói với VnExpress. "Chúng tôi nghĩ rằng tiền thưởng lớn có thể hoàn thành ước mơ là tiền bạc lẫn vinh quang cho cơ thủ, đặc biệt là người trẻ".
Ông Lee cho biết, 100 triệu ở Hàn Quốc hay 1 tỷ đồng ở Việt Nam, được xem là con số ấn tượng. Ông so sánh với Giải vô địch Golf Hàn Quốc (KGPA) có tổng thưởng 1 tỷ won, với nhà vô địch nhận 200 triệu won. Nhưng KGPA thành lập từ năm 1958, còn PBA mới có từ 2019 nên khi công bố tiền thưởng đã tạo sức tác động.
PBA Tour ban đầu chỉ tổ chức các giải đấu tại Hàn Quốc, nhưng hai năm qua đã chuẩn bị cho Hà Nội Open 2024. Thủ đô Việt Nam cũng trở thành nơi đầu tiên tổ chức giải đấu nằm trong hệ thống PBA Tour toàn cầu.
Giải đấu tổ chức từ ngày 19/8 đến 26/8, quy tụ 192 cơ thủ, gồm 128 nam (PBA) và 64 nữ (LPBA), trong đó chủ nhà Việt Nam có 27 cái tên. Những VĐV còn lại chủ yếu đến Hàn Quốc, bên cạnh Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha. Trước đó, vòng loại tổ chức tại Bình Dương quy tụ khoảng 350 cơ thủ.
Đến ngày 23/8, nội dung cho nữ thi đấu tứ kết với bảy cơ thủ Hàn Quốc và một cơ thủ Nhật Bản. Nội dung nam thi đấu vòng 1/16, vẫn còn bốn VĐV chủ nhà như Nguyễn Quốc Nguyện, Nguyễn Văn Phước Hiếu, Nguyễn Đức Anh Chiến và Trần Văn Ngân. Trước đó, Nguyễn Huỳnh Phương Linh, Ngô Đình Nại, Đỗ Đức Hiền và Nguyễn Ngọc Trị dừng bước ở vòng 1/32.
Thể thức thi đấu của PBA khác biệt với Liên đoàn billiard thế giới (UMB). Theo đó, UMB đánh một lượt chạm 40 điểm trước sẽ thắng. Trong khi đó, PBA nam đánh theo set chạm 15 điểm. Vòng 1/64 và 1/32 là thắng ba trong bốn set và nếu hoà 2-2 thì đánh luân lưu. Vòng 1/16, 1/8 và tứ kết đánh thể thức năm set thắng ba. Bán kết đánh bảy set thắng bốn, còn chung kết là chín set thắng năm.
Thể thức LPBA cũng đánh theo set nhưng chạm 11 điểm, riêng vòng 1/32 chạm 25 điểm, với tối đa 50 phút thi đấu. Vòng 1/16 và 1/8 đánh ba set thắng hai. Tứ kết và bán kết là năm set thắng ba, còn chung kết là bảy set thắng bốn.
Hiện, các cơ thủ Việt Nam chịu lệnh cấm của Hiệp hội Billiards Thể thao châu Á (ACBS) và Hiệp hội Pool Thế giới (WPA). Tuy nhiên giải carom 3 băng thế giới UMB tổ chức, và họ không phụ thuộc vào ACBS hay WPA.
PBA và UMB cũng mâu thuẫn trong tổ chức. Theo đó, các cơ thủ dự giải của PBA sẽ không được dự giải của UMB, nhưng phía PBA thì không áp dụng luật này. Các cơ thủ Việt Nam nổi tiếng cũng có lựa chọn riêng, như Bao Phương Vinh, Trần Quyết Chiến thi đấu các giải UMB, còn Nguyễn Quốc Nguyện, Ngô Đình Nại hay Phương Linh chọn thi đấu cho PBA.
Phía PBA Hàn Quốc nhận định thị trường carom 3 băng Việt Nam rất hấp dẫn không chỉ vì có số lượng cơ thủ chất lượng, mà còn tự sự yêu thích của khán giả. PBA cho biết số tài khoản Việt Nam chiếm gần 60% lượng truy cập kênh Youtube của PBA từ nước ngoài.
Trong tương lai, PBA tham vọng tổ chức tour đấu tại ba thành phố lớn mỗi miền Việt Nam, là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Hiếu Lương