Báo cáo nêu rõ, trong tổng số hơn 5.000 lao động có 3.680 người Trung Quốc. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Sơn thông tin, hiện chỉ có khoảng 800 lao động Trung Quốc được cấp phép.
Tổng nhu cầu lao động người nước ngoài của 13 doanh nghiệp và 30 nhà thầu trong Khu kinh tế Vũng Áng là 11.000. Riêng dự án Formosa có 92 nhà thầu thi công, đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Hà Tĩnh mới đồng ý cho tuyển dụng 10.820 lao động.
Sáng 9/10, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho hay, theo quy định mới của Luật xuất nhập cảnh thì mọi lao động nước ngoài đều phải được cấp phép trước khi vào Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, không phải tất cả lao động đều được cấp phép ngay. Có nhiều người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, sau đó chuyển đổi mục đích lao động, nên cần phải có thời gian mới cấp phép được.
Về việc mới có 800 trong tổng 3.680 lao động người Trung Quốc được cấp phép, vị Cục trưởng lý giải, "có thể do số còn lại mới vào nên chưa làm kịp. Trách nhiệm này thuộc về UBND và Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, Cục đã yêu cầu các đơn vị này rà soát và báo cáo lại, nếu như trái luật thì sẽ yêu cầu trục xuất".
"Ở Vũng Áng, thời điểm cao nhất trung bình cứ 7 người Việt Nam thì có một người nước ngoài làm việc. Thời điểm thấp nhất tỷ lệ này là 4/1. Như vậy, lao động Việt vẫn là những lao động chính", bà Vân nói.
Sau sự cố hàng trăm người xô xát tại Khu kinh tế Vũng Áng ngày 14/5, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát chặt chẽ, quản lý số lao động nước ngoài khi vào làm việc tại Khu kinh tế này. Dù thủ tục cấp phép lao động đã thuận lợi tối đa, nhưng nhà thầu Trung Quốc không quan tâm nên số lao động được cấp phép chưa đạt 20%.
Đức Hùng