Thầy Nguyễn Văn Đường, 44 tuổi, giáo viên trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, cho hay đã đại diện gần 2.500 người viết tâm thư gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hôm 31/7.
Đây là những giáo viên đến đợt xét thăng hạng theo thông báo của Sở hồi đầu tháng 7. Hiện giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III, trong đó hạng I cao nhất. Ở mỗi hạng lại có nhiều bậc lương, cứ ba năm, giáo viên được tăng một bậc. Tùy theo hạng, bậc này, giáo viên sẽ hưởng lương và phụ cấp khác nhau. Để được thăng hạng, họ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, sau đó tham gia kỳ thi hoặc xét do địa phương tổ chức.
Hà Nội chọn hình thức tổ chức thi. Bài thi thăng hạng theo quy định gồm bốn môn: kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành. Trừ nghiệp vụ thi viết 180 phút, còn lại là trắc nghiệm trong 30-60 phút. Giáo viên được miễn thi ngoại ngữ nếu còn dưới 5 năm công tác, tính đến thời điểm về hưu.
Ông Đường nói việc này khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
"Chúng tôi là những thầy, cô giáo giỏi cấp cụm, thành phố, đạt chiến sĩ thi đua. Dù năng lực đã được khẳng định trong thực tiễn công tác, chúng tôi lại không thể là viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao, nếu không may sơ suất trong một môn thi nào đó", thầy Đường nói.
![Giáo viên làm nhiệm vụ trong buổi thí sinh học quy chế thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2022. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/02/HUY-7567-6774-1690972726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SJc3-y2DH0B8Sro1yGfbRA)
Giáo viên làm nhiệm vụ trong buổi thí sinh học quy chế thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2022. Ảnh: Giang Huy
Là một trong gần 2.500 giáo viên ký tên, cô Nguyễn Thị Hoa, 53 tuổi, quận Long Biên, cũng cho rằng thi thăng hạng tạo áp lực cho giáo viên, đặc biệt là những người đã có tuổi như cô.
"Khả năng ngoại ngữ, tin học của chúng tôi không thể bằng giáo viên trẻ. Trong khi đó, chúng tôi có nhiều năm công tác, giải thưởng, mức đóng góp cho ngành cũng không ít", cô Hoa nói.
Chưa kể, theo cô Hoa, việc tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên gây tốn kém. Công sức và thời gian thầy cô dành cho việc ôn tập cũng không ít. Theo họ, thời gian, công sức và kinh phí đó nên dùng để trau dồi nghiệp vụ, đầu tư cho những dự án giáo dục khác để tạo được nhiều giá trị hơn.
"Với những lý do trên, chúng tôi gửi tâm thư, tha thiết bày tỏ nguyện vọng bỏ thi thăng hạng từ giáo viên hạng III lên hạng II", thư kiến nghị có đoạn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã nhận được thư của giáo viên. Quan điểm của Sở là không làm khó giáo viên, nhưng việc thi hay xét thăng hạng do Sở Nội vụ quy định.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Bộ Nội vụ đã đề xuất bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức mà chỉ giữ hình thức xét hạng.
Bộ này cho rằng các kỳ thi thăng hạng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp. Ngoài ra, với số lượng viên chức lớn (khoảng 1,8 triệu), việc tổ chức kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém; một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực.
Thanh Hằng