Thông tin được Viện Nghiên cứu các tác động sức khỏe (Mỹ) cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra trong báo cáo thường niên về Tình trạng không khí toàn cầu, hôm 19/6.
Theo Viện Nghiên cứu các tác động sức khỏe, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm gây ra cái chết của 8,1 triệu người, chiếm khoảng 12% tổng số ca tử vong vào năm 2021. Như vậy, ô nhiễm không khí vượt qua thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh, trở thành yếu tố nguy cơ thứ hai gây tử vong sớm, chỉ sau huyết áp cao.
Trẻ nhỏ là nhóm đặc biệt dễ tổn thương vì tình trạng này. Báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí góp phần gây ra cái chết của hơn 700.000 trẻ dưới 5 tuổi. Hơn 500.000 ca tử vong có nguyên nhân là nấu ăn trong nhà bằng nhiên liệu không sạch như than, gỗ hoặc phân, chủ yếu là ở châu Phi hoặc châu Á.
"Đây là vấn đề chúng ta có thể giải quyết được", Pallavi Pant, người đứng đầu bộ phận y tế toàn cầu của Viện Nghiên cứu các tác động sức khỏe, nhận định.
Báo cáo cho thấy gần như mọi người trên thế giới đều hít thở trong môi trường ô nhiễm, không tốt cho sức khỏe mỗi ngày. Hơn 90% số ca tử vong có liên quan đến bụi mịn PM2.5, có kích thước từ 2,5 micromet trở xuống. Hít phải bụi mịn có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và hàng loạt vấn đề sức khỏe khác.
Dù có các số liệu "rõ ràng", tiến sĩ Pant nhận định báo cáo có thể vẫn đang đánh giá thấp tác động của ô nhiễm không khí. Bà giải thích nó không tính đến tác động của tình trạng này đến sức khỏe não bộ, các bệnh thoái hóa thần kinh.
Báo cáo cũng cho thấy ô nhiễm tầng ozone có thể tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Tình trạng này gây ra gần 500.000 ca tử vong vào năm 2021.
"Ngày càng nhiều nơi trên thế giới chứng kiến các đợt ô nhiễm không khí ngắn và dữ dội, xảy ra sau các đợt cháy rừng, bão bụi hoặc nắng nóng cực độ, có thể làm tăng nồng độ ozone", Pant cho biết.
Bà cho biết phương pháp giảm biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính thực tế giống nhau. Bà kêu gọi các quốc gia hành động cụ thể hơn để hạn chế việc sử dụng nhiên liệu rắn trong việc nấu ăn. Trên thế giới có hơn hai tỷ người nấu ăn bằng các loại bếp lửa cơ bản, bếp củi trong nhà và phải hít khói độc hại.
"Mỗi ngày có gần 2.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do ảnh hưởng sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Nếu không hành động lập tức, thế hệ tiếp theo sẽ phải chịu hậu quả", Kitty van der Heijden, phó giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho biết.
Thục Linh (Theo AFP)