Ông Bình (60 tuổi, trú thôn Mỹ Thủy, xã Hải An) kể 5 năm qua, ông không thể sửa chữa, cơi nới nhà cũ, muốn dựng căn nhà mới cho vững chãi cũng không được phép. "Con trai tôi làm nhà ra riêng, xin tách thửa mảnh đất mà 4 năm rồi không được", ông Bình thở dài nói.
5 năm trước, xã Hải An được quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy. Nghe tin, ông Bình cũng như người dân trong xã vui mừng chờ ngày vùng quê cát trắng đổi thay, đời sống kinh tế đi lên. Tới tháng 2/2020, nhà đầu tư làm lễ khởi công cảng biển nước sâu, nhưng đến nay dự án vẫn "án binh bất động".
"Gia đình mong nhà đầu tư sớm triển khai, kiểm kê, áp giá đền bù để bà con di dời đến khu tái định cư. Có an cư mới lạc nghiệp được", ông Bình bộc bạch.
Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó chủ tịch xã Hải An, cho hay thôn Mỹ Thủy có 27 hộ dân chờ đền bù của dự án khu bến cảng Mỹ Thủy. Từ năm 2016, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy được phê duyệt xây dựng tại thôn này nên việc đầu tư hạ tầng công cộng, xây dựng nhà cửa của bà con bị dừng lại.
"Bà con đồng ý về chủ trương, chấp nhận vất vả ban đầu, hy vọng sau này con cháu có việc làm, nhưng nhà đầu tư lâu triển khai khiến cuộc sống người dân lâm vào khốn khó", ông nói.
Tại thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, gia đình anh Trương Minh Khánh, 34 tuổi, cũng bị vướng quy hoạch nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 8 năm qua. Từ năm 2015, anh Khánh muốn tách thửa mảnh đất của bố mẹ thành 4 thửa cho 4 anh em nhưng không được.
Hạ tầng ở thôn Trung An cũng không được đầu tư. "Đường nhựa thì hư hỏng, đường nối các thôn xóm không được đổ bê tông nên bùn lầy, bụi bặm, không có đèn đường", anh Khánh nói.
Ông Trương Xuân Tính, Phó chủ tịch xã Hải Khê, cho hay xã có 154 hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án nhiệt điện BOT Quảng Trị. 8 năm nay, do quy hoạch vùng dự án nên thôn Trung An không được đầu tư hạ tầng. "Đường bê tông, điện thắp sáng, kênh mương thoát nước không được đầu tư, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đời sống dân sinh khó khăn, việc đi lại, buôn bán không thuận tiện", ông Tính nói.
Chuẩn bị cho hai dự án này, từ năm 2020, huyện Hải Lăng đã xây dựng hai khu tái định cư Hải An và Hải Khê để di dời người dân. Đến nay, cả hai khu đã hoàn thành, hạ tầng điện nước, đất đai phân lô, nhưng chưa thể di dời người dân vào vì nhà đầu tư chưa đền bù nhà đất và tài sản của người dân.
Trong khi đó, hai dự án đầu tư là nhiệt điện Quảng Trị, vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, và khu bến cảng Mỹ Thủy, hơn 14.000 tỷ đồng, đều chậm tiến độ. Trong phiên làm việc trực tuyến với tỉnh Quảng Trị vào tháng 10/2021, nhà đầu tư nhiệt điện Quảng Trị cam kết hết tháng 2/2022 hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư khu bến cảng Mỹ Thủy vẫn đang huy động vốn của các cổ đông, dự kiến đến quý III/2022 mới đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.
Theo Ban quản lý khu kinh tế Quảng Trị, tỉnh vẫn đang phối hợp với các nhà đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để dự án sớm thi công, nhằm di dời người dân, ổn định cuộc sống.