Ngày 12/6, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) Tống Hải Nam cho biết, từ tháng 6/2016 đến 5/2017 có gần 18.000 lao động 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đi xuất khẩu lao động. Thị trường chủ yếu là Đài Loan với hơn 10.000 người, Nhật Bản 4.500, còn lại là Hàn Quốc, thuộc các ngành nghề thuyền viên tàu cá, giúp việc gia đình, xây dựng.
"Lao động các địa phương này chỉ phù hợp với một số thị trường cần trình độ thấp, nhưng họ lại không mặn mà khi doanh nghiệp về tư vấn. Ngược lại, những thị trường có thu nhập cao, người lao động muốn đi thì lại không đáp ứng được yêu cầu, kỹ năng", ông Nam nói.
Sau sự cố môi trường biển, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lên kế hoạch hỗ trợ sinh kế cho ngư dân bằng cách tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động với chi phí thấp. Ngoài ra, ngư dân được vay vốn, chuyển đổi việc làm, trở thành công nhân trong các nhà máy.
Đầu tháng 4/2016, hàng loạt cá gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết. Hiện tượng này sau đó lan đến vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt. Nguyên nhân được xác định là Formosa Hà Tĩnh xả thải.
Hoàng Phương