Thế giới đã ghi nhận 135.941.671 ca nhiễm nCoV và 2.938.557 ca tử vong, tăng lần lượt 651.103 và 10.794, trong khi 109.276.061 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cơ quan y tế hàng đầu của Mỹ, hôm 10/4 cho biết họ chưa tìm thấy mối liên hệ giữa vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson và hiện tượng máu đông.
"Chúng tôi hiện chưa tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa tiêm chủng và các cục máu đông. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra và đánh giá những trường hợp này". FDA cho hay, thêm rằng họ đã nhận được thông tin "một số người" ở Mỹ bị đông máu, tiểu cầu thấp sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson.
"Cả hai hiện tượng này đều có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng tôi sẽ cập nhật cho công chúng khi chúng tôi tìm hiểu thêm", thông cáo của FDA nêu thêm.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm EU (EMA) hôm 9/4 cho biết đang điều tra các trường hợp xuất hiện cục máu đông và tiểu cầu thấp nói trên. EMA đã phê duyệt vaccine Johnson & Johnson của Mỹ nhưng đến cuối tháng này mới triển khai tiêm chủng. 4 trường hợp nói trên được ghi nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và triển khai tiêm chủng ở Mỹ.
Giám đốc phụ trách mảng an toàn vaccine của EMA Peter Arlett khẳng định số tường hợp nói trên là "cực kỳ nhỏ" so với 4,5 triệu mũi Johnson & Johnson đã được tiêm trên toàn thế giới.
Trước đó, EMA thông báo đông máu nên được coi là tác dụng phụ rất hiếm gặp của vaccine AstraZeneca, khiến một số nước châu Âu hạn chế độ tuổi được tiêm vaccine này.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.867.080 ca nhiễm và 575.568 ca tử vong do nCoV, tăng 63.864 ca nhiễm và 715 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Chương trình tiêm chủng của Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ với gần 175 triệu liều vaccine được tiêm chủng từ khi bắt đầu tháng 12 năm ngoái. Hơn 112 triệu người Mỹ, tức hơn 1/3 dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
Tính tới ngày 8/4, gần 20% người Mỹ đã nhận đủ hai mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19, mang tới cho khoảng 66 triệu người dân nước này "lá chắn" bảo vệ trước đại dịch khiến đã khiến hơn 500.000 người Mỹ tử vong.
Pfizer-BioNTech ngày 9/4 cho biết họ đang xin Mỹ cấp phép tiêm vaccine của mình cho trẻ trẻ 12-15 tuổi và có kế hoạch đưa ra yêu cầu tương tự với các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới trong những ngày tới.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.445.006 ca nhiễm và 351.334 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 69.592 và 2.400 ca.
Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.
Bất chấp ca nhiễm gia tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng. Hôm 7/4, ông Bolsonaro một lần nữa nói với người ủng hộ rằng phong tỏa toàn quốc là không có cơ sở.
Tòa án Tối cao Brazil hôm 8/4 yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra về cách chính phủ Bolsonaro xử lý đại dịch. Tòa án cũng phán quyết rằng chính quyền khu vực có thể cấm các buổi lễ tôn giáo để ngăn Covid-19, điều mà Tổng thống kiên quyết phản đối.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.355.465 ca nhiễm và 169.304 ca tử vong, tăng lần lượt 152.682 và 837.
Lơ là cảnh giác với các sự kiện tôn giáo lớn, vận động chính trị hay những trận đấu thể thao, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn một triệu ca nhiễm mới kể từ cuối tháng 3. Bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất Maharashtra đang phải vật lộn với tình trạng cạn nguồn vaccine, thuốc và giường bệnh.
Với lệnh phong tỏa mới vào mỗi cuối tuần, bắt đầu từ ngày 10/4 tới hết tháng, 125 triệu dân của bang Maharashtra sẽ phải ở trong nhà trừ khi đi mua thực phẩm hoặc thuốc men.
Ấn Độ đã tiêm chủng cho 94 triệu người trong tổng số 1,3 tỷ dân, nhưng truyền thông địa phương cho biết trung bình các bang chỉ còn đủ lượng vaccine cho 5 ngày, trong khi một số vùng phải vật lộn với tình trạng thiếu trầm trọng.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.980.501 ca nhiễm và 98.395 ca tử vong.
Tất cả các nhà hàng và quán cà phê ở Pháp đã bị đóng cửa 5 tháng qua. Pháp tuần này bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng.
Cảnh sát Paris cho biết hôm 10/4 phạt hơn 100 thực khách tại một nhà hàng dưới lòng đất vì vi phạm quy định phòng dịch và bắt chủ nhà hàng. Trước đó, họ cũng cáo buộc một số bộ trưởng tham dự các sự kiện vi phạm tương tự.
Thủ tướng Jean Castex ngày 8/4 thông báo 10 triệu người Pháp đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Pháp khuyến cáo những người dưới 55 tuổi đã tiêm liều đầu tiên vaccine AstraZeneca nên được tiêm mũi thứ hai một loại vaccine khác, nhưng WHO cảnh báo rằng không có đủ dữ liệu để khuyến nghị làm vậy.
Anh, báo cáo 4.368.045 người nhiễm và 127.080 người chết, tăng lần lượt 2.589 và 40 trường hợp.
Các nhà khoa học tại trường University College London (UCL) cho biết dựa trên phân tích mô hình dịch bệnh mới, Anh có thể vượt qua ngưỡng quan trọng khi tỷ lệ người "an toàn" trước virus nhờ tiêm chủng, từng bị nhiễm hoặc miễn dịch tự nhiên đạt 73,4% vào ngày 12/4.
Đây là "cột mốc" mà giới khoa học cho rằng Anh đạt khả năng miễn dịch cộng đồng để đẩy lùi virus. Song họ cảnh báo bất kỳ động thái nào nhằm đẩy nhanh tốc độ nới lỏng các biện pháp hạn chế đều có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều học giả và nhà khoa học khác ở Anh hoài nghi về dự đoán của nhóm nghiên cứu trường UCL, trong khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi những số liệu thực tế.
Theo số liệu chính thức được Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố ngày 8/4, khoảng 54% người ở Anh đã có kháng thể chống nCoV tính đến hết ngày 14/3.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.562.868 ca nhiễm, tăng 4.723, trong đó 42.443 người chết, tăng 95.
Jakarta cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ. Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca.
Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 13,5 triệu liều. Khoảng 4,43 triệu người, chiếm 1,6% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 853.209 ca nhiễm và 14.744 ca tử vong, tăng lần lượt 12.674 và 225 ca.
Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau các báo cáo về tình trạng đông máu ở nhiều nước, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.
Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.
Huyền Lê (Theo AFP)