Sáng 1/4, Tổng cục Thống kê bắt đầu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc tổng điều tra lần thứ 5, quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hơn 110.000 điều tra viên; 9.300 giám sát viên các cấp.
Hoạt động này nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ nghiên cứu, phân tích lĩnh vực này trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết cuộc tổng điều tra 2019 có nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, công nghệ thông tin được ứng dụng ở tất cả công đoạn. Hộ dân cư có thể tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến hoặc trả lời trực tiếp điều tra viên.
Ngoài việc sử dụng phiếu giấy in sẵn, tổng điều tra lần này áp dụng thêm hai hình thức mới là điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet.
Bên cạnh thông tin cơ bản, tổng điều tra 2019 sẽ thu thập thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học, nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, tiết kiệm chi phí điều tra. Một số thông tin phục vụ đánh giá thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng được lồng ghép để thu thập.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nói hiện nguồn dữ liệu dân số từ các Bộ Tư pháp, Công an, Y tế không đủ chi tiết; quy ước, khái niệm dân số khác nhau. Vì vậy, cuộc tổng điều tra 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin, làm căn cứ để tiến tới không thực hiện tổng điều tra vào năm 2029.
"Chúng tôi mong mong các hộ gia đình hợp tác chặt chẽ với điều tra viên, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác. Những thông tin cá nhân của người dân sẽ được đảm bảo giữ bí mật, chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, quản lý chung", ông Lâm nói.
Tổng điều tra dân số kéo dài trong 25 ngày, kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7/2019 và kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý 2/2020; tổng kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng.
Nội dung điều tra gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.