Thông tin được nêu trong báo cáo của Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ngày 24/4.
Theo đó, từ lúc xảy ra sự cố, ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải 30.100 hành khách bằng ôtô từ Ga Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và ngược lại (tương đương với 110 chuyến tàu); phục vụ ăn uống miễn phí cho khách bị ảnh hưởng; cùng với chi phí cho các lực lượng phục vụ chuyển tải với tổng kinh phí khoảng 8,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều chuyến tàu hàng phải ngừng chạy, hàng không thể xếp đi cùng tàu khách, nên hàng trăm nghìn tấn hàng phải chuyển tải bằng đường bộ; khoảng 11.700 vé bị khách trả lại do sự cố sạt lở. Thiệt hại về hàng hóa là hơn 10,4 tỷ đồng (tính riêng của Công ty Vận tải Sài Gòn)
Ngành đường sắt cho biết đang làm việc với các cơ quan bảo hiểm để đền bù thiệt hại trong quá trình chuyển tải hành khách, vận chuyển hàng hóa, tàu chậm.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết đang thống kê chi phí sửa chữa hầm Bãi Gió, hiện chưa có con số cụ thể.
Hầm đường sắt Bãi Gió thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, được Pháp xây năm 1930, hoạt động năm 1936. Công trình này đi qua đèo Cả, nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
12 ngày trước, trong khi nhà thầu phá dỡ bêtông vỏ hầm cũ thì xảy ra sụt lở vòm hầm, làm gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tuyến này phải tạm ngưng để các đơn vị liên quan gia cố, sửa chữa. Hầm được thông vào tối 21/4.
Bùi Toàn