Thế giới đã ghi nhận 118.593.482 ca nhiễm nCoV và 2.630.443 ca tử vong, tăng lần lượt 470.061 và 10.050, trong khi 94.196.672 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO), văn phòng khu vực châu Mỹ của WHO, cho biết ca mới tiếp tục giảm ở Bắc Mỹ, nhưng vẫn gia tăng ở Mỹ Latinh, đặc biệt là tại Brazil.
"Chúng tôi lo ngại về tình hình ở Brazil. Đó là một lời nhắc nhở về mối đe dọa hồi sinh", giám đốc PAHO Carissa Etienne nói trong cuộc họp báo ngày 10/3. Bà cho biết ca mới tăng ở gần như tất cả các bang ở Brazil.
Bộ Y tế cho biết Brazil đã ghi nhận mức tăng ca tử vong cao kỷ lục trong 24 giờ qua là 2.286. Đây là lần đầu tiên Brazil báo cáo hơn 2.000 ca tử vong trong một ngày. Nước này báo cáo tổng cộng 270.656 người chết trong số 11.202.305 ca nhiễm, tăng 77.288 ca so với hôm trước.
Các chuyên gia y tế cho biết sự gia tăng là do các biến thể mới, dễ lây lan hơn, bao gồm loại được gọi là P1 xuất phát từ Brazil. "Chúng ta đang ở thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch ở Brazil. Tốc độ lây truyền của những biến thể mới này đang khiến dịch tồi tệ hơn". Margareth Dalcolmo, nhà nghiên cứu tại trung tâm y tế công cộng hàng đầu Fiocruz, nói.
Brazil đang chật vật đảm bảo đủ vaccine cho người dân. Tổng thống Jair Bolsonaro, người đã nhiều lần phớt lờ lời khuyên của chuyên gia, tuần trước kêu gọi người dân Brazil "ngừng than vãn" về Covid-19 và tiếp tục công kích các hạn chế chống dịch ở các địa phương.
Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu muộn ở nước này và diễn ra khá chậm, khi chỉ 8,8 triệu người, tức 4,2% dân số, đã được tiêm liều đầu tiên. Hôm 10/3, Bolsonaro ký một dự luật để đẩy nhanh mua vaccine.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 29.853.084 ca nhiễm và 541.914 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 51.270 và 1.333 trường hợp so với một ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nới lỏng các biện pháp hạn chế với những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, cho phép họ tụ tập theo nhóm ở trong nhà mà không cần đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, người dân Mỹ vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng và tránh đi lại không cần thiết. Những người đã tiêm vaccine cũng cần tránh các buổi tập trung đông người, phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhiều người chưa tiêm phòng từ các gia đình khác nhau hoặc người có nguy cơ gặp triệu chứng nặng của Covid-19.
Alaska, một trong những bang tiêm chủng thành công nhất, trở thành nơi đầu tiên ở Mỹ tiêm vaccine cho bất kỳ ai từ 16 tuổi trở lên, trong khi nhiều bang khác chỉ mới tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi và gặp rủi ro cao. 1/4 trong dân số 730.000 người của bang này đã tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai toàn cầu, báo cáo thêm 22.815 ca nhiễm và 134 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.284.285 và 158.213.
Chính phủ Ấn Độ hôm 6/3 đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine Covid-19 cho một số khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong những tuần gần đây, trong đó có cả thủ đô New Delhi.
Ấn Độ khởi động quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân từ giữa tháng 1 và ít nhất 12 triệu nhân viên y tế cùng các nhân viên tuyến đầu nước này đã được tiêm vaccine. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào giữa tháng 8.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.234.924 người nhiễm và 124.987 người chết, tăng lần lượt 5.926 và 190 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết những dữ liệu này là dấu hiệu tích cực, nhưng người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. "Hãy nhớ chúng ta ở đâu hồi mùa hè năm ngoái. Chúng ta kiểm soát được bệnh dịch ở mức thấp hơn hiện nay rất nhiều và sau đó đợt bùng phát xảy ra", ông nói.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 30.303 ca nhiễm và 264 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.932.862 và 89.301.
Hàng trăm nghìn người ở miền bắc nước Pháp hôm 6/3 quay lại tình trạng phong tỏa khi giới chức y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng toàn quốc để bù đắp khởi đầu chậm chạp. Hơn hai triệu người trên khắp nước Pháp phải chịu các hạn chế cuối tuần, buộc phải ở nhà trừ khi có giấy miễn trừ.
Lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h hôm sau đã được áp dụng, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Những hạn chế mới này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.532.855 ca nhiễm và 73.276 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 12.246 và 295 ca so với một ngày trước đó.
Người dân Đức cuối tuần qua đã đổ xô đến chuỗi siêu thị Aldi để mua các kit xét nghiệm nhanh Covid-19 trong ngày đầu tiên mở bán trên toàn quốc. Các kho dữ trữ của Aldi đã sạch hàng chỉ sau vài giờ. Từ ngày 8/3, tất cả người dân Đức được làm xét nghiệm nhanh miễn phí một lần mỗi tuần, do chuyên gia thực hiện tại các hiệu thuốc hoặc trung tâm xét nghiệm chính phủ chỉ định.
Chính phủ Đức đang dựa chủ yếu vào xét nghiệm nhanh để đưa đất nước vượt qua giai đoạn tiếp theo của đại dịch, trong bối cảnh người dân quá mệt mỏi với các biện pháp hạn chế nhưng tốc độ tiêm chủng Covid-19 vẫn chậm chạp.
EU ngày 10/3 cho biết họ sẽ nhận được thêm 4 triệu liều vaccine BioNTech/Pfizer trong hai tuần tới cho các "điểm nóng" Covid-19.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.398.578 ca nhiễm, tăng 5.633, trong đó 37.932 người chết, tăng 175. Nước này bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, công chức và nhân viên các ngành thiết yếu hồi tháng một. Khoảng 2,28 triệu người dân Indonesia đã được tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 603.308 ca nhiễm và 12.545 ca tử vong, tăng lần lượt 2.886 và 17 ca.
Moderna hôm 6/3 thông báo đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Philippines 13 triệu liều vaccine Covid-19, có thể bắt đầu giao hàng từ giữa năm nay. Moderna cho biết họ cũng dự kiến đạt được một thỏa thuận riêng với chính phủ Philippines và khu vực tư nhân để cung cấp thêm 7 triệu liều vaccine.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)