Theo lịch của Sở Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được gọi vào phòng thi lúc 7h, để kịp 8h bắt đầu tính thời gian làm bài môn Ngữ văn. Do đó, từ 6h30, đường Hạ Yên Quyết dẫn vào trường THPT Yên Hòa đã có lượng lớn phương tiện, dù hôm nay là thứ bảy. Để tránh tắc đường, phụ huynh và thí sinh được yêu cầu đi bộ từ barie cách cổng trường khoảng 30 m.
Ảnh: Ngày thi đầu tiên vào lớp 10 công lập ở Hà Nội
Hoàng Lan, quận Cầu Giấy, thong thả bước vào điểm thi. Em cho biết mình đã trúng tuyển một trường chuyên thuộc đại học, nên tâm lý tương đối thoải mái. Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội, Lan đặt nguyện vọng vào trường Yên Hòa - đơn vị có tỷ lệ chọi cao nhất năm nay và luôn nằm trong nhóm top đầu Hà Nội về điểm chuẩn. "Nếu trúng tuyển cả hai, em vẫn chọn học trường Yên Hòa vì đây là ngôi trường em mơ ước từ lâu", Lan chia sẻ.
Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), nhiều phụ huynh đưa con đến trường từ 6h30. Hai phòng gửi đồ được bố trí ngay tại khu vực cổng trường. Các thí sinh gửi đồ được viết phiếu để tránh nhầm lẫn.
7h20, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đến kiểm tra. Ông di chuyển tới nhiều phòng thi. Tất cả phòng đóng cửa sổ được nhắc nhở mở. Ông cũng đến kiểm tra phòng y tế, phòng dự phòng cho thí sinh diện nghi ngờ mắc Covid-19.
Ông Cương chia sẻ, thời tiết hai ngày thi nắng nóng, có thể lên tới 37 độ nên mong muốn các thầy cô và thí sinh cố gắng. Số lượng phòng thi tại THPT Nguyễn Thị Minh Khai lớn với 26 phòng, hơn 620 thí sinh, ông Cương yêu cầu điểm thi không được để xảy ra sơ suất, tuân thủ nghiêm túc các quy định như bố trí cho học sinh gửi tư trang cách phòng thi tối thiểu 25 m để tránh gian lận qua các thiết bị thu phát sóng từ xa.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết hiện chưa ghi nhận bất thường nào từ 203 điểm thi.
Do ảnh hưởng của Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho học sinh thuộc diện F0 được xét tuyển thẳng bằng điểm học bạ. Nếu vẫn có nguyện vọng dự thi, các em được tham gia.
Toàn thành phố có 186 thí sinh diện F0, trong đó 145 em xin xét tuyển thay vì thi tuyển, 41 em tự nguyện đăng ký dự thi được bố trí thi tại phòng riêng, đảm bảo an toàn cho cán bộ coi thi và tất cả thí sinh.
Bài thi Ngữ văn sáng nay kéo dài trong 120 phút, với đề thi dưới dạng tự luận. Buổi chiều 18/6, các em làm bài trắc nghiệm môn Ngoại ngữ trong 60 phút, bắt đầu từ 14h. Sang sáng 19/6, học sinh hoàn thành môn thi cuối cùng là Toán trong 120 phút, bắt đầu từ 8h.
Những thí sinh có nguyện vọng vào các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ hay lớp chuyên của THPT Chu Văn An, Sơn Tây sẽ làm thêm bài thi môn chuyên vào 20/6. Lịch thi cụ thể như sau:
Năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ gần 107.000 em đăng ký thi vào lớp 10. Trong số này, khoảng 64,7% sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Số còn lại học tại các trường tư thục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Tỷ lệ chọi xét theo từng trường cao nhất là 1/3, ghi nhận theo số học sinh đăng ký vào THPT Yên Hòa. Trong khi đó, một số trường có số học sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Chẳng hạn, THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất) có chỉ tiêu 450, số nguyện vọng 1 là 373.
Tính theo khu vực tuyển sinh, khu vực 3 (gồm ba quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân) có tới gần 13.500 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 - đông nhất thành phố, dù chỉ có 10 trường THPT. Đây là khu vực tập trung nhiều trường chất lượng cao, có điểm chuẩn thường xuyên nằm trong top đầu thành phố. Tổng chỉ tiêu của các trường ở khu vực 3 là 6.445, chưa bằng một nửa số lượng đăng ký.
Với gần 107.000 thí sinh dự thi, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập 203 điểm thi với 4.550 phòng với gần 700 thanh tra.
*Xem chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký vào từng trường
Dương Tâm - Thanh Hằng