Số doanh nghiệp này đáp ứng các điều kiện về sản xuất an toàn trong bối cảnh Covid-19, có chỗ ăn, ở tập trung tại doanh nghiệp cho người lao động. Công nhân tại các nhà máy trước khi vào làm việc phải có kết quả xét nghiệm tầm soát Covid-19...
Như vậy, số lượng doanh nghiệp được thẩm định, đủ điều kiện hoạt động lại tăng gấp đôi so với cách đây một tuần. Và trong vòng nửa tháng từ thời điểm quyết định thí điểm cho phép các doanh nghiệp sau khi Bắc Giang tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp do Covid-19 bùng phát, bình quân mỗi ngày Bắc Giang có 15 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Sau khi quay lại hoạt động, các doanh nghiệp đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình mới "thời dịch bệnh", vừa phòng, chống dịch bên ngoài doanh nghiệp, vừa chống dịch trong từng phân xưởng, nhà máy. Công nhân ngồi giãn cách khi làm việc tại phân xưởng, trong giờ ăn ca. Các doanh nghiệp cũng chia nhóm công nhân, bố trí họ ăn, ở và đi cùng xe... để tránh lây lan dịch bệnh.
Tính toán của tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày tỉnh này thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng khi phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn khác và xuất khẩu lớn linh phụ kiện ra nước ngoài, nên việc này còn gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, Bắc Giang từng bước xem xét cho các doanh nghiệp vận hành trở lại, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch.
Tuy vậy, khó khăn hiện hữu lúc này là thiếu lao động do lượng lớn công nhân làm tại các khu công nghiệp vẫn đang cách ly tập trung. Với số lao động tại địa phương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu các địa phương gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện đi làm trở lại theo đúng quy trình 7 bước đã được tỉnh này ban hành. Các huyện, xã khẩn trương xét nghiệm lần 2 cho công nhân đang ở tại nhà...
Dịch tại Bắc Giang đang dần được kiểm soát, đến trưa 11/6 tỉnh này ghi nhận thêm 84 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca mắc lên 3.875 người. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang quyết tâm dập dịch trong vòng 15 ngày tới.
Anh Minh