Phiên giao dịch đầu tuần, cũng là thời điểm các ngân hàng hoàn thành việc mua tín phiếu bắt buộc, nhiều nhà đầu tư đưa lệnh bán cổ phiếu dưới giá tham chiếu. Chỉ số của sàn TP HCM giảm gần hết biên độ cho phép, mất 28,9 điểm, xuống mức 615,71.
Những phiên tiếp theo không có đột biến tích cực nào, ngoài một vài lần Vn-Index có dấu hiệu đảo chiều. Song kết thúc mỗi phiên giao dịch, chỉ số vẫn mất điểm. Tình trạng chen bán diễn ra trong hầu hết các phiên, nhất là ở các mã chủ chốt. Khép lại tuần giao dịch, Vn-Index đứng tại 545,68 điểm, trung bình mỗi phiên chỉ số giảm 19,6 điểm.
Khối lượng và giá trị giao dịch trong tuần giao dịch khá cao, mỗi phiên có 12 triệu đơn vị được giao dịch qua khớp lệnh. Động thái bán tháo không chỉ xuất phát từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà cả các nhà đầu tư tổ chức. Hôm 18/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi công văn đến các công ty chứng khoán đề nghị hạn chế bán cổ phiếu tự doanh, để ngăn đà sụt giảm. Cơ quan này cũng đề nghị các công ty giao dịch thỏa thuận cổ phiếu giải chấp, thay vì qua khớp lệnh như trước. Tuy nhiên, dư bán vẫn vượt trội so với dư mua.
Vn-Index mất gần 100 điểm sau tuần giao dịch. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang cân nhắc tình hình thị trường, khi giao dịch của họ phiên sau thấp hơn phiên trước. Ngoại trừ phiên 18/3 khi Vn-Index rơi khỏi mốc 600 điểm, họ tranh thủ gom vào, trung bình khối lượng mua vào của khối ngoại giảm 26,7% sau mỗi phiên.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán, cho rằng, thị trường đi xuống phần nhiều vẫn do tâm lý nhà đầu tư. Vào thời điểm Vn-Index gần chạm ngưỡng 600 điểm hồi đầu tháng, các công ty chứng khoán và quản lý quỹ đã cam kết ngừng bán ra để hạn chế cung. Tuy nhiên, theo ông Kỳ, đến nay Hiệp hội chưa có kế hoạch cho một thỏa thuận tương tự. "Hiệp hội chỉ có thể vận động các công ty, chứ cũng không thể yêu cầu họ làm vậy", Tổng thư ký hiệp hội phân trần.
Dự kiến tuần tới Tổng Cục thống kê sẽ công bố CPI của tháng 3. Tháng trước, CPI đội lên tới 3,56%, đưa chỉ số của 2 tháng đầu năm lên hơn 6%, chiếm 70% chỉ tiêu cả năm, khiến kiềm chế lạm phát trở thành mục tiêu quan trọng nhất của cơ quan quản lý. Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, với CPI của tháng 3 có khả năng thấp hơn, thị trường có thể sẽ khởi sắc.
Tới đây cũng là thời điểm các công ty công bố kết quả kinh doanh quý I, trong đó có khả năng nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, quý đầu năm chưa phải thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư, cộng với bối cảnh tín dụng thắt chặt, nên chưa có nhiều điều đáng lo ngại về hoạt động của các doanh nghiệp.
Mặt khác, theo ông, khi thị trường đã xuống thấp như hiện nay, một số quỹ và nhà đầu tư sẽ hạn chế bán ra. Việc đó phần nào kìm lại đà đi xuống của Vn-Index. Song Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán cũng cho rằng, vẫn chưa thể nói chắc về diễn biến thị trường tuần tới, mà giới đầu tư chỉ đang hy vọng vào một tuần giao dịch khả quan hơn.
Ngoài hai phiên đầu tuần sụt giảm mạnh theo xu hướng của sàn TP HCM, chỉ số Hastc-Index của sàn Hà Nội hãm lại được được đà đi xuống trong những phiên còn lại, thậm chí tăng điểm trong ngày 19/3. Tuy nhiên, sau 5 phiên, Hastc-Index vẫn để mất 15,1% giá trị (34,06 điểm) tương đương với Vn-Index. Hastc-Index chốt tuần tại 190,63 điểm, trung bình mỗi phiên có 5 triệu đơn vị được mua đi bán lại.
Ngọc Châu