GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, cho biết 47% của hơn 200 sinh viên bảy khóa đã tốt nghiệp hệ cử nhân ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, hiện làm việc ở các bệnh viện lớn của Đức. Bằng tốt nghiệp của những sinh viên này được phía Đức công nhận bởi các em được dạy và học, bảo vệ khóa luận bằng tiếng Anh. Các em chỉ mất khoảng một năm vừa học tiếng Đức, vừa ôn luyện chuyên môn để thi lấy chứng chỉ hành nghề.
"Năm qua, chúng tôi sang thăm đối tác ở Đức và vui mừng khi các bệnh viện lớn nhất nước này đều có cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội. Nhiều em đang công tác tại các khoa khó, đòi hỏi khắt khe như hồi sức tích cực, hồi sức sau mổ, cấp cứu, thần kinh, tim mạch. Đặc biệt, phía Đức chia sẻ muốn tiếp tục đón nhận sinh viên Việt Nam", ông Tú nói.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm đào tạo chương trình tiên tiến ngành Điều dưỡng hôm 7/1, ông Tú khẳng định ngoài tạo ra những sinh viên có năng lực nghề nghiệp được quốc tế công nhận, thông thạo tiếng Anh, chương trình còn lan tỏa giúp trường Y Hà Nội phát triển được thêm nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh sau đại học, bảo vệ khóa luận hay hội nghị khoa học bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, chương trình tiên tiến ngành Điều dưỡng còn thúc đẩy đổi mới các chương trình đào tạo khác theo hướng tích hợp và dựa trên năng lực. Nhờ đó các giảng viên của trường được cử đi học tập, đào tạo ngắn hạn tại các đại học lớn của Mỹ, Australia hay Pháp. Ngược lại, nhiều trường quốc tế gửi sinh viên tới tham gia khóa trao đổi với Đại học Y Hà Nội.
Kể từ năm 2009, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định về việc giao nhiệm vụ đào tạo chương trình tiên tiến trình độ đại học đến nay, cả nước đã có 23 trường hợp tác với 22 đại học quốc tế mà hầu hết là trường được xếp trong top 200 theo bảng xếp hạng của US News & World Report. 35 chương trình tiên tiến đã được triển khai, riêng chương trình tiên tiến ngành Điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội vẫn là duy nhất thuộc khối ngành khoa học sức khỏe đào tạo bằng ngôn ngữ thứ hai với hơn 80% nội dung dạy bằng tiếng Anh.
Nhớ lại từ ngày đầu triển khai, ông Tú cho biết gặp muôn vàn khó khăn, từ việc xây dựng và bảo vệ đề án trước hội đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến việc chọn đối tác nhập khẩu chương trình và hỗ trợ quá trình đào tạo, tổ chức dạy học, đặc biệt là dạy bằng tiếng Anh - điều chưa có trong tiền lệ của Đại học Y Hà Nội.
"Có những lúc tưởng chừng phải bỏ vì không tìm được đối tác phù hợp do kinh phí hạn hẹp rồi sự bi quan, bế tắc của người học, thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được bằng sự đầu tư, quyết tâm", ông Tú nói.
Tuy nhiên, hiện chương trình chưa thu hút được nhiều sinh viên do đặc thù các em đến từ vùng nông thôn, chưa chú trọng học ngoại ngữ. Ông Tú mong muốn sinh viên trúng tuyển những năm tới không ngại vượt qua rào cản này để đăng ký bởi thực tế có những em tiếng Anh gần như bằng 0 nhưng sau 6 tháng học tiếng và 4 năm đào tạo đã trở nên thành thạo.
Từ thành công của chương trình tiên tiến ngành Điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội đang hướng tới xây dựng tất cả chương trình của trường theo hướng dựa trên năng lực và tích hợp, có tham khảo các nước. Ví dụ, chương trình đào tạo bác sĩ y khoa sẽ tham khảo của Đại học Sydney (Australia) hay Pháp.
Ngay trong năm 2021, Đại học Y Hà Nội cũng điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh theo hướng chú trọng ngoại ngữ, trong đó dành 10% tổng chỉ tiêu để xét tuyển theo hình thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ ngoại ngữ.