Thông tin được đơn vị tư vấn đưa ra tại buổi làm việc của Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) với UBND tỉnh Long An về tiến độ mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương, ngày 5/6.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện có 4 làn xe, hai làn khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h, khai thác từ 13 năm trước. Từ 2019, tuyến đường dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng khoảng 30%, với hơn 50.000 lượt xe mỗi ngày đêm khiến cao tốc thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn.
Theo đơn vị tư vấn, khi mở rộng, cao tốc có tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 200 ha đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công với kinh phí hơn 9.700 tỷ đồng, khởi công năm 2025 và dự kiến hoàn thành sau hai năm.
Tại buổi làm việc, tỉnh Long An kiến nghị chủ đầu tư sớm chỉnh trang, sửa chữa hai nút giao cao tốc tại TP Tân An và huyện Bến Lức đã bị xuống cấp. Đồng thời, địa phương này cũng đề nghị khi mở rộng cao tốc cần có đường kết nối với huyện Thủ Thừa bởi nơi đây có khu, cụm công nghiệp quy mô hàng nghìn ha.
Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng được đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương lên 8 làn xe với tổng vốn hơn 5.300 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, vốn ngân sách là 2.650 tỷ đồng (chiếm 50%), vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 406 tỷ đồng và vốn từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) 2.300 tỷ đồng.
Giữa năm ngoái, Liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương theo phương thức PPP. Liên danh này cam kết tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Hoàng Nam