Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm nay tiếp tục ghi nhận lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng gần 21% so với 2022; nhóm chờ thủ tục giải thể tăng xấp xỉ 29%. Bình quân mỗi tháng có 14.400 đơn vị rút lui khỏi thị trường.
Kinh doanh bất động sản đứng đầu lĩnh vực có doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất, gần 1.300 đơn vị, tăng khoảng 8% so với 2022. Điều này cho thấy địa ốc vẫn có một năm khó khăn. Bình quân mỗi tháng, 107 doanh nghiệp ngành này phá sản, trong khi số lập mới giảm 45%, trên 4.700 đơn vị.
Khó khăn của thị trường bất động sản bắt đầu từ 2022 và kéo dài đến nay dù có nhiều biện pháp gỡ khó từ Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá, thị trường vốn. Các thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, tiếp cận tín dụng vẫn chưa thuận lợi.
Bất động sản kém sắc khiến nhiều dự án, công trình chậm triển khai khiến nhóm doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng tiếp tục một năm làm ăn thua lỗ. Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tính chung doanh thu của nhiều doanh nghiệp thuộc bộ này (gồm những ông lớn như HUD, Coma, Lilama, Vicem...) giảm 16% so với 2022. Lợi nhuận giảm tới 66% so với năm ngoái, chỉ đạt 1.380 tỷ đồng.
Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường địa ốc vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, từ nguy cơ bong bóng sang suy thoái, nguồn cung thiếu và cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp nhu cầu.
Số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cũng cho biết, lượng giao dịch thành công của 3 quý năm nay chưa bằng một nửa so với 2022. Nhiều dự án bị dừng, chậm triển khai do khó khăn về pháp lý, vốn. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 83 tỷ trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chưa đến 0,07%.
Giới phân tích dự báo năm 2024 địa ốc vẫn khó về nguồn cung, thanh khoản, nhưng sẽ là giai đoạn bản lề cho sự chuyển mình từ năm 2025, thời điểm các Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực.
Đức Minh - Lê Quân