Trận chung kết diễn ra tại khuôn viên của campus CodeCation FPT Complex (Đà Nẵng) với sự tham gia của 45 đội, chia làm ba bảng: kỹ sư, sinh viên công nghệ và học sinh.Tại đây, các đội sử dụng một trong bốn ngôn ngữ lập trình phổ biến là C, C++, Java và Python 3 để giải các câu hỏi do hội đồng chuyên môn đưa ra. Hội đồng chuyên môn gồm các giảng viên trường Đại học Bách Khoa và các chuyên gia công nghệ có trên 10 năm kinh nghiệm của FPT Software.
Đề thi và môi trường thi đấu thiết lập theo tiêu chuẩn kỳ thi lập trình quốc tế ICPC. Các bài toán vòng chung kết thiết kế theo dạng interactive problems (bài toán tương tác) chủ đề mang tính ứng dụng thực tế với độ khó tăng dần. Ngoài giải thuật lập trình, các đội thi phải có kỹ năng làm việc nhóm, đòi hỏi tính chuẩn xác và cường độ làm việc rất cao. Bài thi được chấm tự động bằng máy, tính điểm theo hai dạng bài đúng, sai và trường hợp cụ thể. Để đảm bảo tính công bằng, ban tổ chức cũng triển khai hệ thống tự động dò quét, kiểm duyệt các bài thi.
Sau 4 tiếng so tài, đội chiến thắng tương ứng với ba bảng đấu Code Rookie, Code Warrior, Code Master lần lượt là SqrtDecomposition, BeachCityBoys và DisjoinHeadUnion. Trong đó, đội DisjoinHeadUnion từng có thành tích: huy chương bạc ICPC Khu vực 2017, giải nhất ICPC Toàn quốc 2018, 2019, 2020; hai lần vô địch Topcoder và một lần vô địch Kickstart.
Trước mong muốn tham gia chương trình của những thí sinh bên ngoài khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ban tổ chức đã đưa ra giải khách mời. Ba đội khách mời có điểm số cao nhất mỗi bảng cùng nhau tranh giải "Đội khách mời xuất sắc nhất", độc lập với hệ thống giải chính.
Ngoài giải thưởng tiền mặt, các thí sinh chiến thắng còn được thực tập và làm việc tại FPT Software - công ty công nghệ toàn cầu với hơn 27.000 nhân viên.
Trước đó, vòng loại diễn ra từ ngày 10/3, dành riêng cho cộng đồng công nghệ thông tin khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều ứng viên là người nước ngoài đến từ các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản hay học sinh, sinh viên đạt thành tích cao ở cuộc thi lập trình quốc gia, quốc tế. Thí sinh nhỏ tuổi nhất chỉ mới học lớp 10.
Giám đốc Nhân sự FPT Software Nguyễn Tuấn Minh cho biết học tập và phát triển bản thân là một trong những giá trị cốt lõi, nhiệm vụ dài hạn mà FPT Software luôn theo đuổi. Với tâm niệm đó, công ty đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển cộng đồng công nghệ thông tin ngày một lớn mạnh với những kỹ sư năng lực cao, đáp ứng nhu cầu ngày một phức tạp của thị trường trong cũng như ngoài nước.
Ông nói: "Da Nang Code League hy vọng sẽ mang lại cho các bạn trải nghiệm, thử thách, những kết nối giúp trưởng thành và phát triển sự nghiệp tương lai".
Bên lề cuộc thi, thí sinh cơ hội tham quan, trải nghiệm môi trường làm việc một trong những campus CodeCation xanh và hiện đại nhất của FPT Software, nơi làm việc của hơn 6.000 lập trình viên tại Đà Nẵng. Sau chung kết, 45 đội cùng tham gia tiệc kết nối nhằm chia sẻ kinh nghiệm, chia vui đội dành chiến thắng.
Từ năm 2019, FPT Software phối hợp với các đối tác đào tạo tổ chức nhiều cuộc thi lập trình tại Đà Nẵng như: Da Nang Code War (2019 - 2020), Da Nang Code Tour (2021), ICPC Miền Trung và Tây Nguyên (2022). Các sự kiện thu hút hàng nghìn lập trình viên và sinh viên công nghệ thông tin nhờ hình thức thi đa dạng, đề thi mang tính thử thách cao được bảo trợ bởi đội ngũ chuyên gia, tổ chức uy tín trong khu vực.
Năm nay, FPT Software phối hợp Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức Da Nang Code League - giải đấu lập trình quy mô toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cuộc thi tạo ra sân chơi chuyên nghiệp cho cộng đồng công nghệ thông tin giao lưu, học hỏi và thể hiệnnăng lực bản thân.
Minh Huy