Phó chủ tịch nước khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào rằng trước sự tàn khốc của chiến tranh, của chất độc hoá học nhưng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vẫn ngời sáng. Đã có nhiều nạn nhân chất độc da cam vượt lên số phận, bệnh tật để hoà nhập cộng đồng, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương với thành tích xuất sắc”.
Nhân dịp này, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, các nhà hảo tâm và người có lương tri trên thế giới tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để công lý được thực thi, cuộc sống của các nạn nhân ngày càng tốt hơn. "Hãy chung tay hơn nữa để xoa dịu nỗi đau da cam", bà Doan nói.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp chương trình giao lưu nghệ thuật vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được tổ chức, nhằm kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ của toàn xã hội xoa dịu nỗi đau của hàng triệu nạn nhân da cam. Nhiều ca khúc nổi tiếng viết riêng cho các nạn nhân chất độc da cam, cho cuộc sống hoà bình như: Vì sao em chết, Hãy sống vì hoà bình, Giấc mơ mong tìm thấy, Ngọn lửa trái tim… được trình bày tại đêm nhạc này.
Các trích đoạn phim tài liệu: Những nẻo đường công lý của đạo diễn Lại Văn Sinh, Nơi chiến tranh đã đi qua của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ góp phần khẳng định, nạn nhân Việt Nam không âm thầm, đơn độc trong cuộc chiến chống chọi với nỗi đau da cam.
Khán giả đã được giao lưu với anh Mai Thanh Hải - một trong số 4 “nhân chứng sống” đã sang Mỹ dự phiên tranh tụng trước toà phúc thẩm trong tháng 6 vừa qua, tình nguyện viên quốc tế Charles Choi, người Mỹ gốc Hàn Quốc đang hoạt động tại Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam tại Việt Nam và ông Jonh Berlow đến từ Mỹ với dự án “Rau hữu cơ” cho các nạn nhân làng Hữu Nghị.
Đây là Chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Tạp chí Truyền hình (Đài Truyền hình VN), Công ty Văn hoá Thông tin Thăng Long tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.
(Theo TTXVN)